Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nêu cao trách nhiệm người ra quyết định

Anh Minh| 17/02/2014 06:50

(HNM) - Trọng tâm của việc tái cơ cấu kinh tế bao gồm một số nội dung quan trọng, trong đó có mục tiêu tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công.



Từ cuối năm 2013 đến nay, Chính phủ luôn khẳng định sẽ cải thiện tình hình, siết chặt và tăng cường quản lý ĐTC nhằm sử dụng tốt nguồn lực Nhà nước cũng như tạo ra cơ hội cho các thành phần kinh tế khác tham gia vào quá trình phát triển KT-XH của đất nước…

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), ĐTC những năm qua đã đóng góp tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế, CNH-HĐH và hội nhập kinh tế, nâng tầm quy mô của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, một số dự án ĐTC chưa đạt hiệu quả, như đường ven biển miền Trung được xây dựng xong ít người sử dụng; một số dự án đầu tư xây dựng chợ dân sinh ở các địa phương, một số trung tâm thương mại tại cửa khẩu biên giới dù xây dựng xong lại thiếu vắng người kinh doanh nên bị bỏ hoang, gây lãng phí…

Chợ Vân Đình (huyện Ứng Hòa) vừa được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách. Ảnh: Bá Hoạt


Những hạn chế trong hoạt động ĐTC gây ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản gia tăng. Nhận định rõ tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT và chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp để nâng cao hiệu quả ĐTC. Từ đó, mức nợ đọng đã giảm dần qua các năm; tạo tiền đề cho sự cải cách sâu rộng và căn bản hơn trong năm 2014. Những năm trước năm 2010, nợ đọng thường lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng. Năm 2012 nợ đọng giảm xuống 85 nghìn tỷ đồng, năm 2013 còn 40 nghìn tỷ đồng và dự kiến trong năm 2014 sẽ chỉ còn 28 nghìn tỷ đồng.

Năm nay, Bộ KH-ĐT sẽ rà soát các nội dung đầu tư, như cắt giảm các chi phí, hạng mục chưa thật cần thiết trên nguyên tắc bảo đảm các mục tiêu của dự án. Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách cũng ưu tiên bố trí vốn cho những dự án nợ đọng trước, rồi đến dự án hoàn thành sớm để đưa vào sử dụng, rồi mới bố trí đến các dự án khác để chủ động xử lý vấn đề theo tuần tự, hợp lý và có hiệu quả. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, điểm mới có tính chất bứt phá trong quản lý ĐTC từ nay trở đi là nêu cao trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư; người phê duyệt đầu tư phải chịu trách nhiệm về dự án đó.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần tăng cường công tác quản lý gắn với trách nhiệm của cơ quan chức năng, dứt khoát loại trừ những trường hợp "đi tắt", tự ý khởi động dự án khi chưa rõ chủ trương đầu tư, chưa rõ nguồn vốn; nhất là khi dự án chưa được phê duyệt theo tâm lý "cứ làm rồi báo cáo, tính sau". Chính phủ cũng đề cao và trưng cầu vai trò giám sát đầu tư của cộng đồng, để người dân tham gia đánh giá hiệu quả đầu tư đồng thời thắt chặt kỷ luật trong các khâu nộp báo cáo định kỳ theo quy định, kịp thời phát hiện để đề xuất ý kiến xử lý đối với những thiếu sót, sai phạm trong quá trình triển khai dự án. Đặc biệt, nên phòng tránh tình trạng báo cáo sơ sài, thiếu đánh giá tổng thể hoặc thái độ né tránh của cá nhân, đơn vị làm công tác quản lý.

Để ĐTC hiệu quả và công khai, cần phải thay đổi hoàn toàn phương thức phân bổ ngân sách. Theo đó, cụ thể ngân sách trung ương phải chia thành 2 phần, phần chi cho bộ máy trung ương và phần chi hỗ trợ địa phương. Bên cạnh đó, trung ương cũng như địa phương cần phải có biện pháp kiểm soát, giám sát hữu hiệu đồng thời chịu trách nhiệm về nguồn ngân sách này. Bên cạnh đó, dư luận đang trông chờ một sự công khai, quy định rõ ràng của Dự thảo Luật Đầu tư công dự định sẽ được thông qua, ban hành trong thời gian tới, trên cơ sở phù hợp thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Đương nhiên, một khi đã có luật thì hoạt động ĐTC sẽ được điều chỉnh góp phần phát huy tối đa từng đồng vốn cũng như góp phần giảm thiểu nạn tham nhũng, lãng phí trên phạm vi cả nước…

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh: Trong năm 2014-2015, Việt Nam kiên quyết cắt giảm tổng mức đầu tư, bố trí cho các chương trình, mục tiêu quốc gia theo hướng lồng ghép; thu gọn đầu mối để chủ động hơn về nguồn vốn. Phải xác định rõ là nguồn vốn lấy từ đâu, là bao nhiêu và dự án có đủ tầm quan trọng để đầu tư chưa? ĐTC sẽ giảm và đầu tư từ các nguồn khác sẽ tăng lên tương ứng. Xu hướng này đã, đang hiện diện vì năm 2012, tổng mức ĐTC chiếm 31,1% GDP, năm 2013 giảm tiếp xuống còn 29,1% GDP. Dự kiến, Chính phủ sẽ tiếp tục siết lại hoạt động ĐTC kết hợp điều chỉnh nguồn vốn đến đúng địa chỉ cần thiết.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nêu cao trách nhiệm người ra quyết định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.