(HNM) - Việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu một số ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Trang (phường Định Công, quận Hoàng Mai):
Mong cấp dưới làm như cấp trên
Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi thấy trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thực hiện đúng về quá trình chuẩn bị, đúng về tổ chức lấy ý kiến đóng góp, tập hợp, tổng hợp ý kiến đóng góp. Điều quan trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tiến hành công việc này một cách bài bản, tập thể làm trước, cá nhân làm sau; đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội làm trước, cá nhân các đồng chí khác làm sau. Quá trình kiểm điểm cá nhân, có đồng chí chủ động sửa đổi, bổ sung hoàn thiện báo cáo kiểm điểm của mình đến hai, ba lần. Nghĩa là các đồng chí ấy thấy rõ khuyết điểm của mình trong khuyết điểm của tập thể và đồng chí mình. Ðây là điều đáng mừng và cũng là việc làm từ trước đến nay chưa được thực hiện trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Tôi cũng như bất kỳ đảng viên nào, mong muốn Thường trực, Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy và tương đương quán triệt sâu sắc, triển khai việc chuẩn bị và tiến hành tự phê bình và phê bình như Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã làm.
Ông Nguyễn Thế Tiện (KTT Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân):
Tin tưởng vào sự thành công của đợt kiểm điểm
Tự phê bình và phê bình được xác định là quy luật vận động, phát triển của Đảng, là một nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Đây là công việc thường xuyên, là phương thức lãnh đạo của Đảng mang ý nghĩa quyết định đến hiệu quả, chất lượng trong công tác lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trong lịch sử hơn 82 năm xây dựng và phát triển, Đảng ta đã tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình rất nhiều lần. Năm 1986, để có được thành công của Đại hội VI, Đảng đã có cuộc tự phê bình và phê bình rất nghiêm túc trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm, sai lầm; nói rõ sự thật để khắc phục, sửa chữa. Cũng như các đợt sinh hoạt chính trị trước, tôi rất tin tưởng vào sự thành công của đợt kiểm điểm lần này. Vấn đề là chúng ta phải tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc ở tất cả các cấp, chống cái xấu, thói hư tật xấu; xây cái tiến bộ, tích cực, làm cho mình trong sạch, giúp đồng đội tiến bộ, tổ chức ngày càng vững mạnh, đoàn kết.
Bà Phạm Minh Tâm (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam):
Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu
Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thực hiện tự phê bình và phê bình. Trong 4 giải pháp đồng bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 nêu ra, đây là giải pháp được đặt lên hàng đầu và được xác định bắt đầu từ mỗi đảng viên, mà trước tiên là từ những đảng viên đang nắm giữ các trọng trách lớn của Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã làm gương, nghiêm túc kiểm điểm với tất cả sự trong sáng và tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước dân tộc; thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm, tự phê bình và tiếp nhận phê bình trên tinh thần cầu thị, được quần chúng nhân dân đánh giá cao. Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu cũng là một yêu cầu quan trọng cần kết hợp trong tự phê bình và phê bình ở mỗi cán bộ, đảng viên; trước hết là các cán bộ, đảng viên lãnh đạo quản lý các cấp. Việc cố tình che giấu khuyết điểm hoặc lợi dụng phê bình gây rối nội bộ cần phải bị kiểm điểm, phê phán sâu sắc. Thực hiện nghiêm túc, nói đi đôi với làm, tôi tin rằng, đợt kiểm điểm lần này sẽ từng bước tạo chuyển biến trong thực tiễn, củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Anh Đỗ Mạnh Hưng (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai):
Cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên nhìn lại mình
Là một đảng viên trẻ, sinh hoạt ở chi bộ nông thôn, nhưng tôi rất quan tâm đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đây là nghị quyết đang được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, nhất trí cao, vì đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn về xây dựng Đảng và mong mỏi chính đáng của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước. Đặc biệt, công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 lần này được triển khai từ cấp trên xuống, đây là cơ hội để mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên nhìn lại mình. Trên cơ sở kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên tự đánh giá năng lực, đạo đức, phẩm chất của mình, trên cơ sở đó phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để làm mới mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Chúng tôi luôn mong đợi các cấp ủy từ chi bộ cơ sở căn cứ đúng hướng dẫn kiểm điểm, tự phê bình và phê bình để thực hiện thật hiệu quả. Việc tổ chức kiểm điểm cần tiến hành nghiêm túc, không nên làm qua loa, hình thức, nể nang…
Ông Đinh Văn Minh (xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn):
Cần có cơ chế tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân
Theo tôi, để Nghị quyết Trung ương 4 mang lại kết quả cao, thì cần tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Trung ương đối với đội ngũ cán bộ các cấp đến cơ sở và định kỳ tổ chức đánh giá, lấy tín nhiệm của Trung ương đối với những người lãnh đạo chủ chốt ở địa phương. Phải lấy việc quán triệt chủ trương, chính sách và tình hình ổn định, cải thiện đời sống của nhân dân làm thước đo, thay vì chỉ căn cứ vào báo cáo hoàn thành bao nhiêu chỉ tiêu kế hoạch do địa phương đề ra. Ở các Đảng ủy cơ sở cần có cơ chế để tiếp thu và xử lý các ý kiến đóng góp của nhân dân đối với tổ chức Đảng và cá nhân đảng viên. Cần tổ chức hộp thư góp ý kiến với từng đảng viên ở từng chi bộ trực thuộc do Ðảng ủy quản lý. Tổng hợp các ý kiến đóng góp trong tháng phải được gửi tới các chi bộ để tham khảo trong đấu tranh tự phê bình và phê bình, đồng thời sau một thời gian phải được tổng kết báo cáo về cấp trên cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.