Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nêu cao gương sáng, lan tỏa phẩm cách nhà giáo Hà Nội

Thống Nhất| 18/11/2015 06:25

(HNM) - Giáo giới Thủ đô kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay trong khí thế thi đua sôi nổi chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ thành phố, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.


Đây cũng là năm học mà thầy và trò ngành GD-ĐT Thủ đô đạt được kết quả toàn diện, được Bộ GD-ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc năm học 2014 - 2015 và Bằng khen hoàn thành xuất sắc cho 17/17 lĩnh vực công tác. Kết quả ấy có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành.


Cô và trò Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình (Hà Nội).


Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Sự chuyển biến tích cực của ngành GD-ĐT Thủ đô năm học vừa qua diễn ra trên tất cả các mặt, đều khắp ở các cấp học, các nhà trường. Đây cũng là năm học có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ của các đơn vị quản lý giáo dục, từ Sở GD-ĐT đến các phòng GD-ĐT và ban giám hiệu nhà trường. Với tinh thần chủ động tích cực, ngành tiếp tục tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố các chỉ tiêu về phát triển GD-ĐT. Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Những nỗ lực trên đây đã tạo nhiều thuận lợi cho công tác dạy - học, nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục có nhiều chuyển biến. Tại các cuộc thi quốc gia, quốc tế, học sinh Thủ đô luôn giành nhiều thành tích ấn tượng, trong đó có 140 giải quốc gia, dẫn đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng giải. Trong kỳ thi quốc tế, các em tiếp tục giành thứ hạng cao với 43 giải thưởng và huy chương. Hà Nội cũng là địa phương về đích sớm một năm so với kế hoạch của thành phố, trước hai năm so với kế hoạch của Bộ GD-ĐT về thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Tháng 7 vừa qua, Hà Nội được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Đây là những dấu mốc quan trọng trong công tác phát triển giáo dục của Thủ đô.

Kết quả toàn diện ấy khẳng định những cố gắng cống hiến miệt mài của đội ngũ nhà giáo Thủ đô. Có thể thấy rõ, trong mỗi công việc hằng ngày, trong từng phong trào thi đua, cuộc vận động, rất nhiều tấm gương điển hình, cả tập thể và cá nhân đã được phát hiện. Từ cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", từ phong trào "Giỏi việc trường - đảm việc nhà - cô giáo người mẹ hiền", nhiều nhà giáo đã trở thành tấm gương mẫu mực, không chỉ ở tác phong, chuyên môn, kỹ năng sư phạm mà còn ở phẩm chất, sự nhiệt huyết với nghề. Kết quả của những hoạt động này cho thấy, đây không đơn thuần là phong trào thi đua, mà quan trọng hơn, ý nghĩa hơn, là đòi hỏi của yêu cầu nhiệm vụ giáo dục giai đoạn mới, là mục tiêu phấn đấu của mỗi nhà giáo để nêu cao đức - tài, xây dựng và làm lan tỏa phẩm cách người giáo viên Hà Nội.

Có thể thấy rõ, ở các nhà trường, mọi cấp học, ngành học, bất kể là nơi thuận lợi hay vùng còn khó khăn, qua mỗi học kỳ, mỗi năm học lại xuất hiện ngày càng nhiều gương nhà giáo mẫu mực, được đồng nghiệp nể phục, được phụ huynh tin yêu, kính trọng. Cô giáo Trịnh Thị Dung (Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) là một trong những tấm gương như thế. Nếu không yêu nghề, mến trẻ, nhiệt huyết và trách nhiệm với công việc thì có lẽ cô khó có thể vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, trong công việc. Cô là một trong gần 100 nhà giáo nữ Hà Nội có chồng đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, con nhỏ, hai bên nội ngoại đều ở xa, nhưng suốt gần chục năm gắn bó với mái trường mầm non, năm nào cô cũng đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi. Năm học 2014-2015, cô Trịnh Thị Dung giành giải ba cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử cấp quận; giải nhất cuộc thi viết kỷ niệm 60 năm ngành GD-ĐT cấp quận và giải Nhì cấp thành phố.

Nhắc đến cô Nguyễn Thị Quyên, Trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì), nhiều đồng nghiệp và người dân bày tỏ sự nể phục khi cô nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 10A6 - lớp có 3 HS nhiễm HIV. Các em bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ và hiện đều mồ côi, đang sống và chữa bệnh tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động số 2 Hà Nội. Ở cấp tiểu học và THCS, các em học trong môi trường riêng biệt; lên THPT mới lần đầu học hòa nhập, bởi thế, việc học tập, sinh hoạt vô cùng khó khăn. Điều khiến ban giám hiệu, cô giáo Quyên lo lắng, trăn trở nhất là làm sao nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh và bảo đảm sự an toàn về sức khỏe cho học sinh của trường. Với kinh nghiệm 12 năm trong nghề, bằng tình yêu thương vô bờ bến với những học trò, nhất là những em chịu thiệt thòi, một mặt cô tổ chức các giờ sinh hoạt lớp nhằm cung cấp kiến thức về cách phòng tránh và thái độ, ứng xử với người có HIV; mặt khác, cô hướng dẫn, tạo cơ hội để các em có HIV tự tin tham gia các hoạt động tập thể. Cô đến từng gia đình, thuyết phục phụ huynh đồng hành cùng động viên học sinh trong lớp biết chia sẻ, cảm thông và hòa đồng. Kết quả là, tập thể 10A6 không chỉ đoàn kết mà còn luôn đạt thành tích trong các phong trào thi đua.

Đây chỉ là hai tấm gương tiêu biểu đại diện cho hơn 120 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Thủ đô đang ngày đêm miệt mài, cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp "trồng người". Sự lao động tận tụy, trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp, những đóng góp thường ngày của mỗi nhà giáo cho từng giờ học, cho mỗi bước trưởng thành của học sinh đã làm nên những thành tích mới, khẳng định và làm lan tỏa phẩm cách nhà giáo Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nêu cao gương sáng, lan tỏa phẩm cách nhà giáo Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.