(HNMO) - Khi những cánh hoa đào chuyển sang thắm đỏ, báo hiệu Mùa Xuân đã về, trên khắp mọi nẻo đường Tây Bắc cũng bắt đầu rộn ràng tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc đón mừng năm mới.
Hòa cùng không khí đón Xuân, trên đất Mường - Hoà Bình cũng diễn ra nhiều lễ hội, phong tục tập quán đậm tính tâm linh, giàu bản sắc văn hoá. Theo truyền thống, người Mường - Hòa Bình không ăn tết từ ngày 23, ngày cúng ông Công, ông Táo như người Kinh, mà thực sự đón tết từ ngày 27 tháng Chạp. Qua thời gian và năm tháng, nếp nhà sàn cổ truyền của người Mường với ánh lửa bập bùng trong những đêm đông đã thưa dần, nhưng nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào Mường vẫn được lưu giữ nguyên vẹn. Một số lễ hội, phong tục hiện đang được duy trì, phục dựng, nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống của người Mường, giúp các thế hệ đời sau thêm tự hào về lịch sử văn hóa của vùng đất này. Hànộimới Online xin giới thiệu một số phong tục lễ hội đặc sắc của người Mường - Hòa Bình.
1. Đụng lợn ăn Tết
Cứ khoảng 27 tháng Chạp trở đi là nhiều gia đình ở các Mường tổ chức đụng lợn ăn Tết. Với người Mường, ngày ăn đụng lợn là ngày đoàn tụ, sum họp của cả gia đình. Là dịp anh em, họ hàng, những người láng giềng, bạn bè thân thiết gặp mặt sau một năm vất vả với công việc. Là dịp để mọi người quan tâm đến nhau hơn, từ đó tình cảm anh em, làng xóm thêm gắn bó, gần gũi. Đụng lợn là nhiều gia đình chung tay, góp công, cóp sức ngả một con lợn để ăn Tết. Từ sáng sớm, những người phụ nữ khăn vấn cao đã sắm sửa bếp núc, xoong nồi, ngâm gạo, chặt lá chuối... Những người đàn ông thì lỉnh kỉnh dao với thớt chuẩn bị cho bữa ăn Tết đầu tiên đón chào năm mới. Đụng lợn là nét văn hóa lâu đời của đồng bào người Mường, Hòa Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung, và đã trở thành một phong tục đẹp có ý nghĩa lớn lao. Ngày ăn đụng lợn là ngày vui vẻ, ấm áp trong sự sẻ chia, đoàn tụ của cả gia đình, nâng cao tinh thần đoàn kết của những con người trong cộng đồng làng xã..
2. Lễ Xéc bùa
Sắc bùa hay còn gọi là “xéc bùa”, có nghĩa là xách cồng. Đây là một hình thức diễn xướng dân gian, diễn ra hàng năm vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc Mường, gắn với một số nghi lễ, nhằm cầu mong một năm mới phát tài thịnh vượng, đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu, con người may mắn và dồi dào sức khỏe. Những người hát sắc bùa được gọi là phường bùa, số lượng thường là 12 người trở lên. Họ đều biết đánh cồng chiêng và hát những điệu hát dân gian Mường. Phường bùa do một người có giọng hát hay và có tài ứng tác làm trưởng nhóm. Phường bùa sẽ đi thăm nhiều nhà và hát những lời chúc tết. Khi tới một gia đình, các thành viên trong nhà cùng hát đối đáp với phường bùa. Phường bùa sẽ chúc gia chủ và gia đình luôn ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu, vật nuôi khỏe mạnh… Đáp lại thịnh tình của phường bùa, gia chủ mời khách lên nhà và mọi người cùng quây quần bên bình rượu cần, thưởng thức các món ẩm thực cổ truyền của dân tộc Mường. Mỗi năm, khi mùa Xuân về, khắp các nẻo đường của bản Mường đều vang lên những tiếng cồng chiêng và tiếng hát chúc mừng năm mới thật rộn ràng và ấm áp.
3. Lễ Khai hạ Mường Bi
Lễ Khai hạ Mường Bi diễn ra vào ngày 7, 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội tỏ lòng tôn kính với Quốc Mẫu Hoàng Bà và Tam vị Tản viên Sơn Thánh, những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, những điều tốt đẹp đến với bà con, xóm làng. Lễ Khai hạ Mường Bi còn được gọi là lễ hội cầu mùa hay mở cửa rừng bởi thường chỉ sau khi diễn ra lễ hội, bà con mới được vào rừng hái măng, hái củi hay xuống đồng chuẩn bị cho mùa vụ mới. Đặc biệt, mỗi người đến dự hội đều mang theo mình gói cơm nắm để cùng ăn chung trong ngày hội, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng. Khai hạ cũng gồm phần lễ và phần hội. Sau phần lễ, những cô gái Mường trong bộ trang phục rực rỡ sắc màu, trình diễn cồng chiêng. Những tiếng cồng chiêng vang ngân trong không gian rộn ràng càng làm không khí ngày hội thêm tưng bừng, náo nhiệt. Lễ Khai hạ Mường Bi khép lại bằng lễ xuống đồng. Người có uy tín nhất sẽ được chọn đặt đường cày đầu tiên, với hy vọng đem lại một vụ mùa bội thu, dân làng hạnh phúc, no ấm.
4. Lễ Mát nhà
Lễ Mát nhà là một nghi lễ tín ngưỡng của người Mường cầu khấn thần linh mong giúp cho nhà cửa mát mẻ, nhiều may mắn, đồng thời trừ bỏ xui xẻo... Lễ Mát nhà có thể tổ chức cúng thời gian nào cũng được, nhưng người Mường thường chọn vào đầu năm, cúng để tống tiễn xui xẻo của năm cũ và cầu mong được may mắn mát mẻ trong năm mới. Lễ này xưa thường chỉ có nhà quan lang mới có đủ điều kiện để làm. Lễ cúng phải có 100 mâm cỗ với đủ các món vănhóa ẩm thực độc đáo của người Mường mang hương vị ngày tết như cá suối, ếch nấu măng chua, thịt gà, thịt trâu lá lồm, hạt dối…. Lễ cúng thường được thực hiện từ 4h đến 20h của một ngày đẹp được thầy mo chọn trước. Ngày nay, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của từng gia đình mà tổ chức lễ cúng, bày biện sao cho phù hợp. Lễ cúng Mát nhà cũng được phục dựng gần đây, nhằm giữ gìn và bảo tồn giá trị truyền thống của dân tộc Mường- Hòa Bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.