Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nếp cũ, hồn xưa

Hà Tuấn - Tuệ Diễm| 08/02/2013 06:52

(HNM) - Tết Nguyên đán, người Hà Nội sinh sống tại TP Hồ Chí Minh vẫn giữ được nếp cũ, hồn xưa. Hầu như nhà ai cũng cố gắng để có được cành đào Nhật Tân đỏ thắm, cặp bánh chưng xanh với củ kiệu, dưa hành và những lời chúc trang trọng, ấm áp…


Nếp cũ, hồn xưa

Sống xa Hà Nội hơn 30 năm nay nhưng với bà Thiên Nga (gần 80 tuổi, ngụ tại đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, quận 2), đếnTết cổ truyền, gia đình vẫn giữ nguyên nếp xưa. Ngày cúng ông Táo (23 tháng Chạp), mâm cỗ được soạn đầy đủ với các món: xôi gà, nem rán, chân giò luộc, canh nấm, măng... dĩ nhiên không thể thiếu cá chép. Năm nào bà cũng lựa con cá thật to và khỏe mạnh, gửi gắm niềm ước mong hạnh phúc, thuận hòa và ấm no khi sang năm mới. Sau ngày ông Táo về trời, bà hoặc chồng, có khi cả hai, lại ra Hà Nội để cùng với họ hàng đi tảo mộ. "Truyền thống đó được duy trì bao đời nay, nhằm tỏ lòng biết ơn, cầu mong sự phù hộ và mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu", bà Nga chia sẻ. 

Khi xuân về Tết đến, những người con Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh cùng sum vầy.


Tròn 36 năm kể từ khi rời Hà Nội và cũng từng ấy năm chưa đón một cái tết trên đất Bắc, nhưng cũng như gia đình bà Nga, gia đình bà Tô An (ngụ 20/C56 đường 3/2, phường 12, quận 10), vẫn lưu giữ được "hồn xưa". Vẫn có câu đối đỏ, bánh chưng xanh và đặc biệt là cành đào tươi thắm mang từ làng đào Nhật Tân vào. Bắt đầu từ ngày 29 tháng Chạp, cả gia đình với 14 thành viên cùng nhau đi xem chợ hoa, chụp ảnh lưu niệm, xem tranh, xin chữ, đi chợ sách… Rồi tất cả cùng xúm vào làm cỗ tất niên. Với gia đình bà, mâm cỗ tất niên và mâm cỗ đón năm mới vào sáng mùng Một luôn có đủ hương vị tết Bắc như xôi gấc, miến nấu lòng gà, măng khô ninh chân giò, gà luộc, giò xào, giò lụa… Sáng mùng Một Tết, gia đình lại quây quần bên nhau.

Điều đặc biệt nữa, dù TP Hồ Chí Minh đất chật người đông, nhiều gia đình gốc Hà Nội vẫn ưu tiên một gian phòng trang trọng để thờ cúng tổ tiên. Ghé thăm gia đình ông Nguyễn Văn Cầu (85 tuổi tại đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận), ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là bộ sập gụ, tủ chè, đình đồng, mâm đồng, lư hương của gia tiên để lại. Cứ mỗi dịp Tết, 5 người con làm ăn phương xa lại tụ về cùng cha mẹ chăm chút cho bộ đồ thờ này và cùng gói bánh chưng... Đúng 0h, gia đình ông thắp hương cúng gia tiên, chờ tàn hương thì dọn mâm cỗ ra ngồi quây quần vừa ăn uống vừa hàn huyên chuyện năm cũ, bàn kế hoạch năm mới.

Xuân kết nối

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều tổ chức như Hội Đồng hương Hà Nội, Hội Cán bộ Hà Nội, Hội Cựu học sinh sinh viên Hà Nội, Hội Doanh nhân và Hội Phụ nữ Thủ đô, Hội Đồng hương khu tập thể Bệnh viện Bạch Mai... đều có nhiều hoạt động gắn kết đầm ấm mỗi khi tết đến, xuân về.

Điển hình là Hội Cán bộ Hà Nội khối Công nghiệp - Giao thông vận tải và xây dựng được thành lập từ năm 1995, đến nay có hơn 400 hội viên, đa số đều trên 60 tuổi. Hàng năm khi tết đến, các cụ bước vào tuổi 65, 70, 75, 80, 85 và trên 90 tuổi đều được hội làm lễ mừng thọ rất long trọng. Bên ấm trà nóng, ông Đỗ Bách, Chủ tịch hội tâm sự: "Việc tổ chức mừng thọ không chỉ là đạo lý uống nước nhớ nguồn mà còn mang nét đẹp văn hóa, thể hiện sự kính già, trọng lão trong cộng đồng dân cư. Các cụ - những người xa quê hương, thấy ấm lòng, an ủi lắm. Năm nào cũng vậy, chúng tôi giữ tập tục này, dù cuộc sống có biến chuyển đến đâu". Còn Hội Đồng hương Hà Nội thì kêu gọi các thành viên đóng góp để có những món quà nhỏ gửi tới các chiến sỹ ở Trường Sa và Nhà giàn DK1. Hội cũng kết nối các công ty du lịch đưa những thành viên là cán bộ, hưu trí đi chơi xuân. Có khi, trong đoàn còn có những gia đình ba, bốn thế hệ cùng đi, vui vẻ, ấm áp để khởi đầu một năm mới tràn đầy hào hứng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nếp cũ, hồn xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.