Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền tảng nâng chất lượng toàn diện

Thống Nhất| 14/03/2019 06:33

(HNM) - Năm 2018, 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã duy trì có chất lượng kết quả phổ cập xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học.

Mức độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục của nhiều quận, huyện đã tăng lên mức độ 3. Ảnh: Bá Hoạt


Duy trì vững kết quả phổ cập ở các độ tuổi

Theo Quyết định số 964/QĐ-UBND ngày 27-2-2019 của UBND thành phố Hà Nội, 30/30 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội đều được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học năm 2018. Trực tiếp kiểm tra công tác phổ cập giáo dục của thành phố Hà Nội nhiều lần, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ghi nhận sự nỗ lực bền bỉ của Hà Nội trong việc tạo điều kiện, cơ hội để mọi người dân đều được thụ hưởng giáo dục, không để tình trạng tái mù chữ.

Việc duy trì chất lượng kết quả phổ cập giáo dục không chỉ tạo nền tảng cho việc nâng cao dân trí, tạo sự đồng đều về điều kiện và chất lượng giáo dục ở các địa bàn mà còn là nền tảng vững chắc cho việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học. Đây cũng là cơ sở để Hà Nội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển bền vững.

Việc duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi của thành phố Hà Nội minh chứng rõ nét cho sự quan tâm, tạo nền tảng bền vững cho trẻ từ bậc học đầu đời. Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Hà Nội nằm trong nhóm các địa phương hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để duy trì vững chắc kết quả này, sau khi hoàn thành Đề án “Phát triển giáo dục mầm non thành phố Hà Nội đến năm 2015”, Hà Nội đã tiếp tục triển khai Đề án “Phát triển giáo dục mầm non đến năm 2020” với lộ trình đầu tư về mọi mặt. Định mức ngân sách cho trẻ tăng từ 3,4 triệu đồng lên 7,5 triệu đồng/trẻ/năm, góp phần thu hút trẻ đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ.

Đáng chú ý về kết quả phổ cập giáo dục của thành phố Hà Nội năm 2018 là sự chuyển biến mạnh mẽ của 19 quận, huyện, thị xã trong việc tăng mức độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ mức độ 2 lên mức độ 3; các đơn vị còn lại duy trì có chất lượng tiêu chuẩn phổ cập trung học cơ sở cấp độ 2.

Thanh Trì là một trong số các huyện tăng mức độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở lên mức độ 3. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ: Lãnh đạo huyện Thanh Trì đặc biệt quan tâm tới công tác phổ cập giáo dục, bảo đảm không để học sinh nào trong độ tuổi bị thất học. Năm qua, huyện đã sử dụng tới 65% ngân sách để đầu tư cho giáo dục.

Cũng là đơn vị dành phần lớn ngân sách đầu tư cho giáo dục, theo ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, riêng năm 2018 quận đã dành hơn 63 tỷ đồng cho công tác phổ cập giáo dục; duy trì tốt việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào các trường nghề.

Ưu tiên kinh phí xây dựng trường học

Giờ vui chơi của cô và trò Trường Mầm non xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì). Ảnh: Bá Hoạt


Là một huyện có 7 xã miền núi, 1 xã ở bãi sông, điều kiện đi lại khó khăn nên ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động để các gia đình tạo điều kiện cho con em đến trường, huyện Ba Vì còn dành phần lớn kinh phí từ ngân sách để đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, thu hút học sinh.

Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Ba Vì đã có 20/31 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 và đang nỗ lực để nâng tỷ lệ này vào cuối năm 2019. Khó khăn lớn nhất của huyện là mạng lưới trường lớn - hơn 100 trường công lập, hầu hết đều xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp trong khi ngân sách hạn chế, rất cần có sự hỗ trợ từ thành phố.

Tương tự Ba Vì, huyện Mỹ Đức hiện có tới hơn 80 trường học công lập, nhưng một số trường đã xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Theo ông Đặng Văn Viện, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, toàn huyện chưa có trường nào tổ chức được việc dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh trung học cơ sở do thiếu phòng học; cấp mầm non, tiểu học còn tình trạng học nhờ ở nhà văn hóa thôn hoặc có nhiều điểm lẻ... Năm ngoái, ngoài hơn 50 tỷ đồng cho công tác phổ cập, các nhà trường đã được đầu tư hơn 300 tỷ đồng xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, nhưng so với nhu cầu thì vẫn còn là một khoảng cách lớn.

Mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 vào năm 2018, song quận Tây Hồ vẫn đặt mục tiêu hàng đầu cho việc xây dựng trường học trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận chia sẻ: "Quy mô dân cư trên địa bàn có nhiều biến động, nhất là tại các phường An Dương, Tứ Liên... Lãnh đạo quận đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng trường học ở các địa bàn này nhằm tạo sự ổn định, đồng đều về trình độ dân trí, duy trì hiệu quả kết quả phổ cập giáo dục, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục của toàn quận...".

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: Ưu tiên xây dựng trường học là mục tiêu, cũng là giải pháp mà thành phố Hà Nội đã kiên trì thực hiện từ nhiều năm nay nhằm duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục ở các độ tuổi. Riêng năm 2018, ngân sách thành phố đầu tư cho ngành Giáo dục là hơn 27.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh gia tăng mạnh về quy mô học sinh tại nhiều địa bàn, đây vẫn là mục tiêu trọng tâm của Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tăng mức độ phổ cập giáo dục, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Hà Nội đặt mục tiêu 100% quận, huyện, thị xã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở cấp độ 3 vào cuối năm 2020. Theo Nghị định số 21/2014/NĐ-CP ngày 24-3-2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ: Để được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 3, đơn vị cấp xã phải bảo đảm tỷ lệ thanh niên, thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở đạt ít nhất 95% (mức độ 2 đạt ít nhất 90%), với xã đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 90% (mức độ 2 đạt ít nhất 80%); tỷ lệ thanh niên, thiếu niên từ 15-18 tuổi đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt ít nhất 80% (mức độ 2 không yêu cầu điều kiện này)...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng nâng chất lượng toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.