Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền tảng để phục hồi tăng trưởng

Hương Ly| 21/12/2011 07:01

(HNM) - Sau những tháng tăng mạnh, đặc biệt tháng 4-2011, tăng tới 3,32%, đà tăng giá tiêu dùng từ tháng 6-2011 dần hạ nhiệt xuống mức trên 1% và tiếp tục giảm vào những tháng cuối năm.


Điều này cho thấy, Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã phát huy hiệu quả. Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước ta sẽ ở mức 18,1 đến 18,2% và năm 2012 sẽ giảm xuống mức 10,5%.

Bình ổn giá, một trong những giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: Như Ý


Chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh

Giá tiêu dùng tăng phi mã trong những tháng đầu năm 2011 đã đặt các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trước những thách thức lớn. Để giải bài toán kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP với những giải pháp quan trọng nhằm giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn. Bên cạnh việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, Chính phủ đã thực hiện giãn, giảm thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu. Chính sách thuế được triển khai theo định hướng "khoan, thư sức dân", giúp người dân vượt qua khó khăn; giúp DN có thêm nguồn vốn nhằm ổn định sản xuất và cắt giảm chi phí đầu vào, từ đó giữ ổn định giá thành sản phẩm. Tại các địa phương, công tác bình ổn giá hàng thiết yếu được triển khai thông qua việc cho DN đủ điều kiện vay vốn với lãi suất 0% để dự trữ hàng thiết yếu. Những mặt hàng có tác động lớn đến nền kinh tế như xăng dầu, điện, than… đều được điều hành thận trọng, linh hoạt.

Nhìn vào đồ thị của CPI năm 2011, có thể thấy, nếu như CPI tháng 2, 3, 4, 5-2011 lần lượt là 2,09%, 2,17%, 3,32% và 2,21% thì từ tháng 6 đến tháng 11, CPI đã dần "hạ nhiệt". Tốc độ tăng CPI giảm dần xuống mức 1,09% trong tháng 6. Đến tháng 11-2011 chỉ tăng nhẹ ở mức 0,28%. Như vậy, tính đến tháng 11-2011, CPI đã tăng 17,5%.

Trước những kết quả khả quan từ công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam, cuối tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo về tốc độ lạm phát tại Việt Nam. Tại buổi công bố "Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương", ông Deepak Mishra chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam dự báo, CPI năm 2011 của nước ta sẽ khoảng 19%, năm 2012 khoảng 10,5%. Theo đánh giá của WB, tốc độ lạm phát tại Việt Nam đã chậm lại kể từ tháng 6-2011, song Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực tăng giá do các yếu tố như: giá hàng hóa ở mức cao, lương tối thiểu được điều chỉnh tăng và giá điện được điều chỉnh.

Tăng cường bình ổn thị trường

Mặc dù CPI đã dần ổn định song Chính phủ vẫn kiên trì thực hiện nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá thị trường. Trung tuần tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, giúp DN tiết giảm chi phí, hạ giá thành. Việc dự trữ hàng thiết yếu, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa được giao cho các ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán. Tại Chỉ thị 03/CT-BTC ban hành trung tuần tháng 12, Bộ yêu cầu sở tài chính các địa phương phối hợp với ban, ngành chức năng theo dõi sát diễn biến cung-cầu và tình hình giá cả thị trường, nhất là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đường, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xăng dầu, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ đi lại, y tế… Các sở tài chính chủ động đánh giá hiệu quả của Chương trình bình ổn giá, từ đó tham mưu, trình UBND tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả biện pháp bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, dịch vụ, không để thiếu hàng, gây tăng giá đột biến bất hợp lý tại địa phương… Cùng với chương trình bán hàng bình ổn giá, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã có kế hoạch cụ thể dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, bảo đảm cung-cầu hàng hóa sẽ được giữ ổn định trong dịp trước, trong và sau Tết.

Ngày 19-12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thông báo tăng giá điện (lần thứ 2) trong năm nay thêm 5% (từ 1.242 đồng/1kWh lên mức 1.304 đồng/1kWh) khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại sự kiện này sẽ tạo áp lực tâm lý đẩy giá cả hàng hóa, dịch vụ cuối năm tăng cao. Song theo EVN, giá điện sinh hoạt ở bậc thang 0-50 kWh cho hộ nghèo và bậc thang 0-100 kWh tạm thời không tăng. Như vậy, với mức tăng 5% và ưu đãi tại các bậc thang cho hộ nghèo, việc tăng giá điện cơ bản sẽ không tác động lớn tới người dân và DN.

Với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, dự kiến mục tiêu kiềm chế CPI cả năm 2011 ở mức 18% nhiều khả năng sẽ đạt. Đây sẽ là một trong những tiền đề quan trọng giúp kinh tế Việt Nam dần ổn định trở lại và khôi phục đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng để phục hồi tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.