(HNM) - Nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND TP Hà Nội có 103 đại biểu, được chia thành 30 tổ đại biểu ở 30 quận, huyện, thị xã. So với nhiệm kỳ 2011-2016, số đại biểu chuyên trách đã tăng hơn, với 18 đại biểu (chiếm 17,47% tổng số đại biểu và tăng 3,47% so với nhiệm kỳ trước).
Tăng là vậy, song nhìn vào hoạt động thực tiễn hiện nay vẫn rất cần thêm đại biểu chuyên trách có trình độ chuyên sâu, am hiểu các lĩnh vực và cùng với đó là giảm đại biểu kiêm nhiệm. Quá trình hoạt động cho thấy, nhiều đại biểu kiêm nhiệm rất ít phát biểu tại phiên chất vấn ở các kỳ họp của HĐND thành phố. Nguyên nhân có thể là ngại va chạm, nhất là những vấn đề ở các địa phương, cũng có thể do nắm vấn đề chưa sâu. Đã nhiều lần, các ban HĐND thành phố tiến hành giám sát đều mời thành viên (đại biểu kiêm nhiệm) nhưng không phải ai cũng sắp xếp được thời gian để tham dự.
Nghị quyết số 18-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” vừa được ban hành đã chỉ rõ, đối với chính quyền địa phương: “…Nghiên cứu, thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và giảm đại biểu Hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước…”. Vì vậy, để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động HĐND, nên tăng số đại biểu chuyên trách. Việc này hết sức cần thiết, không chỉ giúp đại biểu có nhiều thời gian, chuyên tâm vào công việc mà còn khắc phục “bệnh” ngại va chạm, né tránh...
Mong rằng, thông qua quá trình hoạt động của nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND thành phố sẽ đánh giá, tổng kết, tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung theo hướng tăng đại biểu chuyên trách trong nhiệm kỳ này, đồng thời chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2021-2026.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.