Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên quản lý quảng cáo trên blog cá nhân, trang mạng xã hội

H.Vân| 03/11/2011 15:37

(HNMO) – Ngày 3/11, thẩm tra dự án Luật quảng cáo của Chính phủ, Ủy ban VHGDTTN&NĐ đề nghị, dự luật cần nghiên cứu, xem xét việc quản lý quảng cáo trên blog cá nhân, trang mạng xã hội, thư điện tử… vì hiện quảng cáo trên các phương tiện này đang nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước.


Tăng thời lượng quảng cáo cho báo nói, báo hình

Trong Tờ trình về Dự án Luật Quảng cáo, Chính phủ cho biết, sau gần 10 năm thực hiện (2002-2011), Pháp lệnh Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực đến hoạt động quảng cáo, góp phần vào sự phát triển của kinh tế - xã hội nước ta trong thời kỳ hội nhập nhưng cũng đã bộc lộ một số hạn chế, nhiều nội dung quy định không còn đáp ứng yêu cầu phát triển của hoạt động quảng cáo.

Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn về phát triển hoạt động quảng cáo, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Quảng cáo với 5 chương, 47 điều. Các điều luật này đã cụ thể hóa và khắc phục nhiều hạn chế của Pháp lệnh hiện hành, nhất là về hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo; phương tiện quảng cáo; quảng cáo trên báo chí, trên mạng thông tin máy tính, trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn…

Đáng chú ý, về phương tiện quảng cáo, dự thảo thay thế phương tiện mạng thông tin máy tính tại Pháp lệnh bằng phương tiện trang mạng thông tin điện tử; các phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác quy định phương tiện vật thể quảng cáo thay thế quy định vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, vật thể di động tại Pháp lệnh; bổ sung phương tiện đoàn người thực hiện quảng cáo, người chuyển tải quảng cáo. Đồng thời, bỏ một số phương tiện quảng cáo quy định tại Pháp lệnh như hàng hóa vì các hàng hóa như bột giặt, mì ăn liền, bánh, kẹo…không thể chuyển tải sản phẩm quảng cáo, còn lại một số hàng hóa có thể dán, vẽ sản phẩm quảng cáo đã thuộc phương tiện vật thể quảng cáo.

Với hoạt động quảng cáo trên các phương tiện báo chí, để phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính của cơ quan báo chí, dự thảo Luật tăng mức khống chế diện tích quảng cáo: báo không quá 15%, tạp chí không quá 20% (Pháp lệnh quy định chung một mức là 10%); tỷ lệ thời lượng của báo nói, báo hình lên 10% (Pháp lệnh quy định 5%).

Về quảng cáo có yếu tố nước ngoài, trong Pháp lệnh Quảng cáo có quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài được đặt Chi nhánh tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài được hợp đồng, hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam nhưng không được thành lập chi nhánh. Vì vậy, trong dự thảo Luật đã bãi bỏ việc cho phép thành lập chi nhánh cho phù hợp cam kết của Việt Nam với WTO.


Nên có quy định với quảng cáo trên trang mạng xã hội, blog cá nhân

Thẩm tra Dự án Luật Quảng cáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban VHGDTNTN&NĐ) cơ bản nhất trí với quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật Quảng cáo trình bày tại Tờ trình của Chính phủ.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo, Ủy ban cho rằng Luật cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo đối với sản phẩm quảng cáo và trình tự, thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại. Kết quả giám sát cho thấy, trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay có nhiều quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực mà người tiếp nhận quảng cáo không biết khiếu nại đến ai.

Về cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, Ủy ban tán thành giao Bộ VHTT&DL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo, các Bộ khác và Uỷ ban nhân dân các cấp phối hợp quản lý với Bộ VHTT&DL theo chức năng của mình như quy định trong Dự thảo Luật.

Về xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, theo Ủy ban, dự thảo Luật còn thiếu những quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với tổ chức và chưa nhất quán trong cách thể hiện về đối tượng vi phạm. Với các hình thức xử phạt bổ sung, Ủy ban đề nghị bổ sung thêm hình thức phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hành vi sai phạm của tổ chức, cá nhân.

Về quảng cáo trên báo chí, Ủy ban đánh giá, dự thảo Luật đã khắc phục được một số bất cập của Pháp lệnh Quảng cáo, căn cứ vào tính đặc thù của từng loại hình báo chí để đưa ra những quy định như tăng diện tích và thời lượng quảng cáo cho các loại hình báo chí, bỏ những quy định hạn chế quảng cáo như các quy định về đợt quảng cáo, số lần được quảng cáo với từng sản phẩm... Tuy nhiên, một số quy định về quảng cáo trên báo điện tử vẫn cần được hoàn chỉnh thêm như: việc quy định: “Vùng quảng cáo không được tràn vào vùng nội dung tin và có diện tích không quá 25% diện tích mỗi trang thể hiện trên khuôn hình” là khó khả thi…

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, chỉ có báo điện tử và trang thông tin điện tử phải xin cấp phép hoạt động, trong khi đó, hoạt động quảng cáo thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử,... đang nằm ngoài sự quản lý của nhà nước. Một số trang mạng từ các máy chủ nước ngoài đang tự do quảng cáo ngoài tầm kiểm soát của pháp luật Việt Nam. Ủy ban đề nghị cân nhắc tính đặc thù của các loại phương tiện nói trên, nghiên cứu thiết kế điều này cho phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, Dự thảo Luật cũng cần làm rõ các khái niệm vùng quảng cáo, vùng nội dung tin, quảng cáo không cố định vì đây là những khái niệm cơ bản về báo điện tử.

Về quy hoạch quảng cáo ngoài trời, Ủy ban cho rằng, để việc xây dựng quy hoạch quảng cáo ở các địa phương mang tính khả thi cao, nên bổ sung một số nội dung, trong đó có quy định chung về quảng cáo tại các khu vực công cộng, các trục đường chính, đường quốc lộ để làm căn cứ quy hoạch cho các địa phương, tránh tình trạng manh mún, cát cứ của từng địa phương như hiện nay. Cần xác lập quy trình cụ thể cho việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch quảng cáo, cũng như trách nhiệm của từng ngành, từng cấp đối với quy hoạch quảng cáo; quy định việc xem xét, điều chỉnh quy hoạch quảng cáo định kỳ để tránh quy hoạch bị lạc hậu, có tính khả thi cao. Dự thảo Luật cũng cần quy định quy trình lấy ý kiến các ban, ngành, doanh nghiệp tham gia hoạt động quảng cáo và người dân địa phương.

Về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, Ủy ban tán thành quy định về  việc bỏ thủ tục cấp giấy phép, tăng cường hậu kiểm bởi nó phù hợp với xu thế cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn tại hầu hết các đô thị hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp. Tình trạng quảng cáo lộn xộn, mất mỹ quan rất phổ biến. Trong khi đó, điều kiện căn bản nhất để bỏ quy định cấp giấy phép quảng cáo ngoài trời là có quy hoạch quảng cáo thì chưa đầy đủ. Tính đến nay mới có 33/63 tỉnh, thành phố phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời, chất lượng quy hoạch chưa cao. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý quảng cáo ở địa phương còn thiếu và yếu, lực lượng thanh tra mỏng, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Ủy ban đề nghị tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa các quy định về hoạt động quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn; cân nhắc thêm điều kiện nhằm bảo đảm tính khả thi của quyết định bỏ thủ

Theo chương trình, ngày mai, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án luật này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nên quản lý quảng cáo trên blog cá nhân, trang mạng xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.