Năm 2016 được đánh giá là năm đầy biến động đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. Năm 2017 sẽ có những thách thức và thời cơ như thế nào đối với Việt Nam?
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh |
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017
Đối với môi trường bên ngoài, năm 2017 được đánh giá là năm bất định của thị trường hàng hóa, dịch vụ, chính sách về lãi suất... nhưng không phải hoàn toàn là tác động tiêu cực. Rút kinh nghiệm năm 2016, chúng ta tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế, tuy nhiên vẫn đang ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô chứ không tăng trưởng bằng mọi giá. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, cần thực hiện nhiều giải pháp, tuy nhiên chúng ta cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục triển khai, thực hiện rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến thực tế liên quan đến xây dựng Chính phủ kiến tạo. Ở đây không chỉ là Chính phủ kiến tạo cấp trung ương mà liên quan đến tất cả bộ ngành, địa phương, đặc biệt tất cả các cán bộ tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp về những vấn đề, chính sách liên quan để làm sao hỗ trợ cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thật sự lành mạnh và có tính cạnh tranh. Đây là vấn đề then chốt.
Vấn đề thứ 2 là chúng ta phải hình thành chính sách tài khóa, tiền tệ sao cho đồng bộ để đồng thời đạt được 2 mục tiêu phát triển kinh tế cao hơn, đồng thời vẫn phát triển kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Đó là điều cần quan tâm hơn trong năm 2017.
Cùng đó, hiện nay chúng ta có phong trào khởi nghiệp đã tạo niềm tin của nhà sản xuất kinh doanh, kể cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang tăng lên nhiều và môi trường đầu tư thuận lợi thì tôi tin rằng họ là nguồn lực thực để có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế vĩ mô cao, ổn định và bền vững như chúng ta mong muốn trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đang hướng tới sự thay đổi cơ bản thay vì thu hút bằng mọi giá với tăng quy mô, thậm chí tăng quy mô vốn đăng ký thì chúng ta đã chú ý đến chất lượng tăng vốn đầu tư nước ngoài. Chất lượng ở đây kể cả đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường hay khả năng giải ngân... đó là nguyên nhân giải thích đầu tư trực tiếp năm 2016 và cơ sở cho chính sách thu hút đầu tư nước ngoài năm 2017.
Tôi cho rằng quan trọng với các nhà đầu tư nước ngoài là môi trường đầu tư thì việc chúng ta đang làm, đã làm và sẽ làm là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, thông qua năng lực cạnh tranh quốc gia đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, giữa nhà đầu tư khu vực nhà nước với nhà đầu tư ngoài khu vực nhà nước. Có như vậy chúng ta mới có thể thu hút và sử dụng được nguồn vốn nước ngoài hiệu quả nhất.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) |
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR): Thận trọng ứng phó với những cú sốc mới từ bên ngoài
Ngoài những vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế nội địa, tình hình kinh tế thế giới đầy bất trắc cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam.
Thứ nhất, FED tăng lãi suất cơ bản đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017. Động thái này không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của đồng USD. Trong khi đó, đồng Việt Nam hiện vẫn đang được neo giữ với USD sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm tới.
Ngoài ra, Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị đồng Việt và giữ tiền trong hệ thống ngân hàng, khi đồng USD tăng giá. Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng, từ đó dẫn tới phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản, làm giá có thể giảm hoặc tăng chậm hơn dự kiến (hạ nhiệt, nguội đi) và điều này có thể gây ra những rủi ro cho các dự án BĐS vốn 2016 đã đang trong tình trạng nhạy cảm, dễ tổn thương và do đó lan sang hệ thống ngân hàng. Mặc dù điều này chưa xảy ra rõ ràng, nhưng Chính phủ và NHNN cũng cần lưu ý.
Thứ ba, việc các nước xuất khẩu dầu đạt được đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 1/2017 có thể đẩy giá dầu tăng trở lại. Mặc dù điều này là có lợi cho cán cân ngân sách, những việc giá dầu thô và các mặt hàng năng lượng tăng trở lại có thể tạo ra sức ép lên lạm phát trong nước, vốn đã bị đẩy lên trong thời gian gần đây do việc điều chỉnh giá các nhóm dịch vụ công.
Cuối cùng, ảnh hưởng của việc Donald Trump không ký kết TPP có thể khiến làn sóng FDI vào Việt Nam suy giảm. Điều này có thể gây ra một số hệ lụy nhất định, đòi hỏi sự cải cách tốt hơn điều kiện kinh doanh và năng lực sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh, nhằm duy trì động lực tăng trưởng cho Việt Nam.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. |
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương: Cần chuẩn bị hai phương án cho nền kinh tế
Năm 2016 là năm hết sức khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, đó là tình trạng biến đổi khí hậu phức tạp, lần đầu tiên có sự khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng hơn 100 năm trở lại đây và điều đó sẽ còn tiếp tục chứ không phải kết thúc. Thứ 2, có những vụ việc như Formosa gây tai hại lớn và Chính phủ ước tính mất khoảng 1% GDP do tai họa đó.
Xu thế sắp tới thì tôi xin nhấn mạnh, dân số tiếp tục tăng cao và già hóa trên thế giới, nhu cầu lương thực thực phẩm, nhất là thực phẩm cao cấp trên thế giới tăng 30% có những nơi tăng 50%, nhu cầu dịch vụ phục vụ người già tăng rất cao. Xu thế đô thị hóa sẽ tiếp tục. Thứ 3 là cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những thay đổi mạnh mẽ mở ra những xu thế mới. Cuối cùng, đang có cuộc cách mạng trong năng lượng, nhu cầu năng lượng hóa thạch giảm đi, năng lượng gió, điện nhiệt, mặt trời, chất thải... tăng lên.
Tình hình 2017, chưa bao giờ thế giới đứng trước thay đổi đầy bất định như bây giờ. Một là toàn cầu hóa đang gặp cú sốc và trở ngại lớn, thương mại gặp khó khăn và điều đó sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
Điều này dẫn đến chúng ta phải chuẩn bị ngay 2 phương án. Một phương án tích cực, bình thường và một phươngg án có nhiều thay đổi. Thứ hai nữa là tất cả chúng ta phải tổ chức trực 24/24, đánh giá thường trực và nhanh nhạy cả ở phía doanh nghiệp và chính sách nhà nước vì chúng ta sống trong thế giới đầy biến động, nếu chúng ta cứ khư khư giữ lấy cái cũ thì không thích hợp trong năm 2017.
Năm 2017 sẽ là năm hoàn toàn không dễ dàng với chúng ta, không có cuộc dạo chơi lãng mạn gì ở đây nên phải đề cao tinh thần chiến đấu. Trong thế giới đầy biến động như thế này thì nội lực phải mạnh lên, có nhanh nhạy với thay đổi từ thế giới để hạn chế những tác động và nắm bắt cơ hội có thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.