Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền kinh tế Việt Nam: Phục hồi ấn tượng

Thanh Hải| 28/01/2010 06:49

(HNM) -


Kinh tế thế giới: Bức tranh sáng màu

Lắp ráp ô tô tại Công ty Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki). Ảnh: Huy Hùng


Tại cuộc thảo luận, ông Han Timmơ, Giám đốc Nhóm Triển vọng phát triển của WB, một trong những tác giả của báo cáo nêu rõ, phần lớn những tác động tức thì của cuộc khủng hoảng (gồm việc thị trường tín dụng bị đóng băng, dòng luân chuyển tiền tệ đảo lộn, thị trường vốn lao dốc, tỷ giá hối đoái bị sụt giảm…) đã thuộc về quá khứ. Từ tháng 3-2009, thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế có thu nhập cao và những nền kinh tế mới nổi đã khôi phục được gần một nửa giá trị mà họ đã mất. Trong đó, những nền kinh tế đang phát triển phục hồi mạnh mẽ; khả năng tổn thương của thị trường chứng khoán cũng đã ít dần...

Thương mại thế giới đã và đang trên đà phục hồi; GDP toàn cầu đã bắt đầu tăng trưởng trở lại và được dự đoán sẽ tăng nhanh chóng trong nửa đầu năm 2010. Theo WB, GDP toàn cầu sẽ tăng 2,7% trong năm 2010 (sau khi đã giảm 2,2% trong năm 2009) và sẽ tăng khiêm tốn ở mức 3,2% trong năm 2011.

Việt Nam: Một vị thế kinh tế tốt

Đó là điều được Giám đốc EuroCham tại Việt Nam, ông Mathias Duhn nhấn mạnh khi phát biểu tại cuộc thảo luận. Là đại diện thương mại của châu Âu, với gần 700 doanh nghiệp thành viên, nghiên cứu kỹ tình hình kinh tế của Việt Nam, theo ông M.Duhn, Việt Nam không có gì để e ngại khi nói rằng, nền kinh tế đã phục hồi với các con số phát triển ấn tượng ở mức 5,32% trong năm 2009 (6,9% trong quý IV-2009) và tăng trưởng hy vọng ở năm 2010 là 6,5%. Ông M.Duhn nêu rõ, vị thế kinh tế tương đối tốt của Việt Nam có thể thấy ở 3 lý do: Hội nhập của Việt Nam vào các thị trường tài chính quốc tế bị ảnh hưởng đầu tiên bởi khủng hoảng vẫn còn ở mức tương đối thấp; Chính phủ Việt Nam phản ứng với khủng hoảng ấn tượng, nhanh chóng, qua việc thực thi các gói kích cầu và thị trường nội địa Việt Nam khá mạnh do Việt Nam không bị ảnh hưởng nặng nề khi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm.

Ông Phan Chí Thành, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng tương đối cao và là một trong những nước tăng trưởng dương, mặc dù đó là tỷ lệ tăng thấp nhất trong 10 năm qua của Việt Nam. Tỷ lệ lạm phát trong năm 2009 duy trì ở mức 6,5% đến 6,8%. Trong năm 2010, Chính phủ đã đưa ra một loạt nhóm giải pháp và nhiệm vụ nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009.

Khai thông những nút thắt

Theo Giám đốc EuroCham tại Việt Nam, thách thức lớn nhất với Việt Nam trong năm 2010 là cân bằng tăng trưởng một cách cẩn trọng mà không thúc đẩy lạm phát, đồng thời đưa ra những giải pháp phát triển bền vững dài hạn cho đất nước. Ông M.Duhn cho rằng, việc thắt chặt các chính sách tiền tệ và kết thúc gói kích cầu là hành động hợp lý trong hoàn cảnh này. Đây cũng là thông điệp cho các doanh nghiệp cần tự chịu trách nhiệm trong hoạt động và Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp thật sự khẩn cấp.

Việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu và chủ yếu dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Bởi vậy, để phát triển kinh tế bền vững cần dịch chuyển từ xuất khẩu các mặt hàng cơ bản sang xuất khẩu các mặt hàng cao cấp hơn, có giá trị gia tăng về mặt lâu dài, đặc biệt trong ngành công nghệ cao. Về điều này, Giám đốc EuroCham nêu 3 khuyến nghị về cơ sở hạ tầng, giáo dục và các chính sách tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ. Theo đó, năm 2009, Việt Nam vẫn có những chậm trễ trong nhiều dự án hạ tầng quan trọng. Nhu cầu vận chuyển côngtenơ đã và đang thách thức năng suất của các cảng cửa khẩu, làm hạn chế đến hiệu quả của đầu tư trong tương lai. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, cấp tỉnh cần có thêm các quy tắc cho nhà đầu tư tiềm năng như ưu đãi đầu tư, thuế…

Ông Trần Đình Thiên, Giám đốc Viện Kinh tế bày tỏ nhận định, nền kinh tế Việt Nam đi qua cuộc khủng hoảng sớm nhưng những điểm yếu về cơ cấu bên trong vẫn còn lại. Đó là cơ cấu thị trường kém phát triển và chưa đồng bộ. Ngoài ra khu vực doanh nghiệp tuy linh hoạt nhưng yếu, độ liên kết kém. Khi phải đối mặt với quá trình hội nhập trong khủng hoảng, thì năng lực quản trị phát triển ở tầm vĩ mô còn thấp xa so với yêu cầu. Điểm yếu tiếp theo là những “thắt nút cổ chai” tăng trưởng hạ tầng như giao thông đô thị, hệ thống cấp điện, nước… vẫn chưa hoàn toàn được khai thông.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nền kinh tế Việt Nam: Phục hồi ấn tượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.