Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền kinh tế Mỹ: Đối mặt với khó khăn hiếm có

Hoàng Linh| 02/08/2020 06:41

(HNM) - Nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với khó khăn hiếm có khi chứng kiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm kỷ lục trong quý II-2020. Tình hình càng căng thẳng hơn khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và các gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ sắp hết hiệu lực.

Dòng người chờ nhận lương thực cứu trợ bên ngoài trung tâm Barclays (Brooklyn, thành phố New York) cho thấy những tác động nặng nề của dịch Covid-19 tới nền kinh tế Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ chính thức công bố GDP nước này “tuột dốc” 9,5% trong quý II-2020, góp phần tạo thành mức giảm 32,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm sâu nhất trong một quý kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II này được các nhà kinh tế mô tả đã “xóa sạch gần 5 năm tăng trưởng” trước đó. Cùng với mức giảm 4,8% của quý I-2020, nền kinh tế số 1 thế giới về kỹ thuật chính thức rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2009. 

Nguyên nhân chính của đợt suy thoái quý vừa qua là do người tiêu dùng Mỹ cắt giảm chi tiêu tới 34,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi đây là yếu tố đóng góp đến 2/3 GDP. Song song với đó là việc các doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất do dịch Covid-19 và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tình hình đầu tư cũng trở nên ảm đạm với việc giảm tới 27% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 14,7%, mức cao nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng những năm 30 thế kỷ trước cũng tạo gánh nặng lớn cho kinh tế Mỹ. Trong khi đó, một số biện pháp can thiệp, như việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất cơ bản của đồng USD xuống mức gần không chưa có hiệu quả rõ ràng.

Giữa khó khăn, gói cứu trợ 3.000 tỷ USD từ Chính phủ Mỹ đã phần nào phát huy tác dụng tức thời khi giúp doanh số bán lẻ tăng lên trong tháng 5 và 6-2020. Đây là giai đoạn khoản tiền hỗ trợ và trợ cấp thất nghiệp bắt đầu đến với người tiêu dùng. Tổng sản lượng công nghiệp Mỹ tháng 6-2020 cũng tăng 5,4% nhờ việc doanh nghiệp có dòng tiền trả lương cho người lao động. Những tín hiệu sáng sủa này từng được kỳ vọng sẽ là bước đệm cho sự hồi phục của kinh tế Mỹ vào quý III-2020. Thế nhưng, khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt mỗi ngày, nhiều bang phải tái áp dụng giãn cách xã hội khiến hoạt động kinh tế đình trệ. 

Theo Hãng Nghiên cứu IHS Markit, nếu không có giải pháp phù hợp, kinh tế Mỹ có 20% rủi ro sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kép. Tỷ lệ rủi ro sẽ tăng lên nếu nỗ lực kiểm soát dịch bệnh không đạt kết quả tích cực cũng như việc Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ không thể tìm tiếng nói chung về các gói cứu trợ mới. Tình hình cũng sẽ diễn biến xấu đi trong vài tuần tới, khi hầu hết các chính sách cứu trợ của Chính phủ Mỹ sẽ hết hiệu lực khiến tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp thêm bất an. 

Mặc dù vậy, giới quan sát vẫn bày tỏ sự lạc quan đối với nền kinh tế đầu tàu của thế giới. Đến nay, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump vẫn đang nỗ lực tìm kiếm và triển khai các ý tưởng mới, bao gồm hoàn thuế trực tiếp nhiều hơn, cung cấp bảo hiểm trách nhiệm cho người lao động và doanh nghiệp, dành ngân sách cho cơ sở hạ tầng, viện trợ chống Covid-19 cho những địa phương nhất định… Trong khi đó, việc bào chế vắc xin ngừa vi rút SARS-CoV-2, một “liều thuốc đặc trị” với các nền kinh tế đang đạt nhiều bước tiến lớn. Washington cũng đã dành ra những khoản tài chính khổng lồ để bảo đảm có đủ vắc xin cho người dân.

Sự suy giảm kỷ lục của cường quốc kinh tế số 1 thế giới một lần nữa cho thấy những hậu quả to lớn của đại dịch Covid-19. Điều này có nguy cơ sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới nhiều khu vực và quốc gia trên toàn cầu. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, Tổng thống D.Trump sẽ sớm có những hướng đi phù hợp nhằm giảm bớt những hệ lụy tiêu cực của dịch bệnh với nền kinh tế xứ Cờ hoa, đặc biệt khi cuộc bầu cử lựa chọn nhà lãnh đạo tiếp theo của nước Mỹ đang tới gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền kinh tế Mỹ: Đối mặt với khó khăn hiếm có

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.