Tại cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, tổ chức ở thủ đô Washington (Mỹ), NATO vừa kỷ niệm 75 năm thành lập vừa phải đưa ra những quyết định với mục đích phòng xa cho thời kỳ tới.
Nội dung nổi bật trong chương trình nghị sự lần này là chiến sự giữa Nga và Ukraine. Liên quan trực tiếp đến cuộc chiến này là toàn bộ mối quan hệ của NATO, Liên minh châu Âu (EU) và khối phương Tây với Nga, là chính sách và chiến lược của họ đối với Trung Quốc. Cụ thể và trước mắt thì như thế, trong khi sâu xa hơn và lâu dài hơn là chuyện trật tự chính trị an ninh thế giới, là hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Âu sau cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, sự kiện lớn và có ý nghĩa quan trọng sống còn này đối với hiện tại và tương lai của NATO lại bị phủ bóng bởi hai con người cụ thể. Sự phủ bóng này chi phối ở mức độ quyết định diễn biến và kết quả cuộc gặp cấp cao năm nay của NATO. Một người là ông Joe Biden và người kia là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Từ đầu nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của mình đến nay, ông Joe Biden nỗ lực đề cao vai trò của Mỹ, chứng tỏ Mỹ là chỗ dựa tin cậy và vững chắc cho NATO, giúp NATO hồi sinh, đoàn kết thống nhất nội bộ và mạnh trở lại ở châu Âu. Nhưng câu hỏi lớn hiện được đặt ra ở Mỹ và vẫn chưa có được câu trả lời là liệu ông Joe Biden có thể đánh bại ông Donald Trump một lần nữa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần tới hay không. NATO ý thức được rằng tương lai của NATO phụ thuộc rất nhiều, nếu như không muốn nói phụ thuộc ở mức độ rất quyết định vào câu trả lời cho những câu hỏi trên.
Với những quan điểm chính sách đã được triển khai thực hiện khi làm Tổng thống Mỹ và như vẫn được biểu lộ trong vận động tranh cử, ông Donald Trump có quan điểm trái ngược với ông Joe Biden về cách thức vận hành của NATO và do vậy khiến NATO hiện nay quan ngại sâu sắc. Do triển vọng ông Donald Trump đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ hiện trở nên ngày càng thực tế nên NATO buộc phải phòng xa và phải tận dụng cuộc gặp cấp cao năm nay của NATO để đưa ra những quyết sách theo phương châm tạo dựng những sự đã rồi. Qua đó làm cho ông Donald Trump nếu được trở lại cầm quyền ở nước Mỹ và dẫu có muốn thì cũng không thể đảo ngược.
Những nội dung chính trong bản tuyên bố chung được NATO công bố sau khi cuộc gặp cấp cao kết thúc đều toát lên tinh thần và bộc lộ cách tiếp cận này. NATO cam kết viện trợ 43 tỷ USD cho Ukraine. Ukraine được hứa hẹn chắc chắn tương lai trong NATO, được cam kết cung cấp thêm nhiều hệ thống phòng không hiện đại, nhận máy bay tiêm kích F-16. NATO sẽ xây dựng những trung tâm điều phối viện trợ và huấn luyện cho quân đội Ukraine. Mỹ lại triển khai tên lửa tầm xa ở châu Âu. NATO tiếp tục đưa Nga và Trung Quốc vào tầm ngằm, cụ thể hóa thêm chiến lược đối phó hai nước này về lâu dài...
Tất cả cho thấy, NATO chủ trương tiếp tục cuộc chiến tranh ở Ukraine và đối địch với Nga, Trung Quốc chứ không có ý tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình. Với những quyết sách nói trên, NATO đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản ông Joe Biden ngừng vận động tranh cử và cho cả kịch bản ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.