Từ ngày 9 đến 11-7, các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tại Washington (Mỹ).
Giới quan sát cho rằng, đây sẽ là dịp để NATO đặt ra những tham vọng chiến lược mới, trong đó tăng cường phòng thủ và răn đe là sự thay đổi chiến lược mạnh mẽ nhất của khối này kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc...
Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Hội nghị Thượng đỉnh tại Washington (Mỹ) sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính. Đầu tiên là tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của các nước đồng minh, vốn được coi là nhiệm vụ cốt lõi của NATO. Thứ hai là hỗ trợ Ukraine - chương trình nghị sự “khẩn cấp nhất”. Thứ ba là tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu của NATO, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Kể từ năm 2014, ưu tiên chính của NATO là tăng cường phòng thủ và răn đe để ứng phó. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine tháng 2-2022, một khái niệm chiến lược mới đã được NATO nhất trí xây dựng với những kế hoạch cụ thể để đáp ứng tầm nhìn thay đổi của khối. Hội nghị Thượng đỉnh Washington sẽ tập trung vào việc thực hiện các kế hoạch này.
Theo các nhà quân sự, trong hơn 2 năm qua, NATO đã tăng chi tiêu quốc phòng, tăng cường phòng thủ và xây dựng lực lượng thường trực, hiện đại hóa các cấp chỉ huy và khả năng kiểm soát, chuyển đổi hoạt động phòng thủ tập thể và kết nạp thành công các đồng minh mới gồm Phần Lan và Thụy Điển, đưa NATO đến gần nước Nga hơn. Tuy nhiên, mục tiêu của NATO dường như không dừng lại ở đó. Lãnh đạo các nước thành viên đang hướng tới 4 điều “hơn nữa”: Nhiều tiền hơn, nhiều sức mạnh chiến đấu hơn, nhiều khả năng hơn và nhiều hợp tác hơn.
Nhiều tiền hơn có nghĩa là chi tiêu quốc phòng tiếp tục tăng vượt quá mục tiêu 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà các đồng minh NATO đặt ra cách đây 1 thập kỷ. Sức mạnh chiến đấu nhiều hơn có nghĩa là chuyển khoản chi tiêu này thành sản phẩm quân sự hiệu quả hơn, đồng thời giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự trong toàn liên minh. Nhiều khả năng hơn tức là lấp đầy những khoảng trống phòng thủ chẳng hạn như phòng không và tên lửa, hỏa lực tầm xa, vận tải hàng không, khả năng di chuyển quân sự, phòng thủ mạng và khả năng trên không gian. Hợp tác nhiều hơn yêu cầu đẩy mạnh những phối hợp cần thiết để nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng mà các đồng minh cần để trang bị cho lực lượng đang ngày càng tăng của họ trong khi tiếp tục giúp đỡ Ukraine.
Đáng chú ý, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO sẽ đánh giá tiến độ của Kế hoạch hành động sản xuất quốc phòng đã được thống nhất ở Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức tại Vilnius (Litva) năm 2023 và có thể thống nhất một cam kết mới nhằm tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng để bổ sung cho khả năng răn đe thông thường mạnh mẽ hơn.
Cũng tại Vilnius năm 2023, hội nghị đã thống nhất thông điệp “Tương lai của Ukraine là ở NATO”. Bởi vậy, các nội dung liên quan tới gói giải pháp riêng của khối này dành cho Ukraine trong thời gian tới bao gồm hỗ trợ tài chính, hợp tác an ninh quốc phòng... Theo Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, NATO mong muốn Ukraine trở thành một đối tác có năng lực quân sự để khi thời điểm chính trị đến, Ukraine có thể hội nhập liền mạch vào NATO - giống như Phần Lan và Thụy Điển.
Các nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng, kế hoạch tăng cường phòng thủ và răn đe của NATO là sự thay đổi chiến lược mạnh mẽ nhất của khối này kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tham vọng tăng cường sức mạnh quân sự, mở rộng địa bàn ảnh hưởng có nguy cơ đẩy quan hệ giữa NATO với Nga đến ranh giới một cuộc đối đầu toàn diện khiến an ninh và ổn định ở châu Âu cũng như thế giới bị đe dọa nghiêm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.