Theo dõi Báo Hànộimới trên

NATO sẽ giữ vai trò chủ chốt

Quỳnh Chi| 24/03/2011 06:05

Lực lượng nổi dậy của Libya đề xuất ngừng bắn

Ngày 23-3, máy bay của liên quân đã tiến hành 2 đợt không kích vào một khu vực đóng quân của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya tại thành phố Misrata. Trước đó tại thủ đô Tripoli, người ta tiếp tục nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn trong đêm thứ tư kể từ khi phương Tây bắt đầu chiến dịch tấn công Libya. Một người phát ngôn Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ cho biết, ít nhất 20 quả tên lửa Tomahawk đã bắn trúng các căn cứ phòng không và các mục tiêu khác ở Libya. Hiện chưa có con số thương vong trong đợt không kích này.

Hãng tin AP ngày 23-3 cho hay, khi chiếc F-15E bị rơi xuống khu vực do quân nổi dậy kiểm soát hôm 21-3, người dân ở một ngôi làng sống gần đó đã tới chỗ xác máy bay với mục đích cứu giúp người bị nạn, một nhóm lính Mỹ được cử tới giải cứu cho hai viên phi công trong vụ máy bay rơi đã xả đạn làm 6 thường dân Libya bị thương.

Đêm 22-3, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước Libya lần đầu tiên trong một tuần qua. Phát biểu từ dinh thự ở Tripoli, ông thề sẽ chiến đấu đến cùng và tuyên bố "Libya sẵn sàng cho kháng chiến trường kỳ và sẽ chiến thắng". Nhà lãnh đạo Libya còn kêu gọi sự trợ giúp từ quân đội các quốc gia Hồi giáo. Theo các nguồn tin nước ngoài, lực lượng trung thành với ông Gaddafi và phe nổi dậy tiếp tục đụng độ tại Yafran, Tây nam Tripoli.

Trong khi đó, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya, ông Abdel Elah Al Khatib cho biết, lực lượng nổi dậy ở Libya muốn nhanh chóng ngừng bắn với các lực lượng chính phủ. Ông Khatib đưa ra thông báo trên sau khi có cuộc gặp đầu tiên với thủ lĩnh lực lượng nổi dậy Mustafa Abdel Jalil và các thành viên Hội đồng dân tộc của phe này ở Tobruk, miền Đông Libya, để "lắng nghe quan điểm và ý kiến của họ". Theo ông Khatib, tại cuộc gặp, ông đã nhắc lại lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về "một giải pháp đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của nhân dân Libya để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay". Tuần trước, ông Khatib cũng đã gặp gỡ các quan chức cấp cao trong chính quyền Libya tại Tripoli.

Phương Tây tăng cường áp đặt cấm vận vũ khí trên biển

Phát biểu tại Paris cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết, chiến dịch quân sự tại Libya có thể chấm dứt "bất cứ khi nào" nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tuân thủ nghị quyết của Liên hợp quốc, chấp nhận ngừng bắn. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp và Anh đã thống nhất trong một cuộc điện đàm ngày 23-3 nhằm trao vai trò chủ chốt trong chiến dịch quân sự tại Libya cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết, các cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ tiếp tục diễn ra trong vài ngày tới.

Trong một diễn biến khác, các đại sứ NATO đã nhất trí sử dụng sức mạnh hải - không quân để thực thi lệnh cấm vận vũ khí trên biển đối với Libya. Theo Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, các lực lượng của tổ chức này sẽ giám sát, cập nhật tình tình và nếu cần thiết sẽ chặn giữ các tàu biển bị tình nghi vận chuyển trái phép vũ khí và lính đánh thuê đến Libya. Sĩ quan chỉ huy tác chiến hàng đầu của NATO, Đô đốc James Stavridis sẽ điều hành các tàu biển và máy bay đóng tại Địa Trung Hải để thực thi lệnh cấm vận này.

Cùng ngày, Hà Lan cam kết cung cấp 6 máy bay tiêm kích F-16, khoảng 200 binh lính, một tàu rà phá mìn dưới biển và một máy bay tiếp nhiên liệu. Romania sẽ điều một tàu chiến với thủy thủ đoàn gồm hơn 200 người đến Địa Trung Hải. Quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua đề xuất của chính phủ nước này nhằm đóng góp 500 binh sĩ, 4 máy bay F-18, một máy bay tiếp nhiên liệu Boeing 707, một tàu ngầm, một tàu khu trục và một máy bay do thám trên biển. Trong khi đó, Đức tuyên bố các tàu chiến của nước này đang đóng ở Địa Trung Hải sẽ không tham gia thực thi lệnh cấm vận vũ khí của NATO.

Lập trường không nhất quán của các thành viên NATO đang làm dấy lên mối quan ngại rằng, chiến dịch tại Libya sẽ phải diễn ra trong một thời gian dài. Tờ Daily Mail dẫn lời Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Anh Nick Harvey cho biết: "Chúng ta không biết điều này sẽ diễn ra trong bao lâu. Chúng ta cũng không biết kết cục sẽ là một thế bí hay không. Chiến tranh có thể kéo dài tới 30 năm". Còn giới phân tích quốc tế cảnh báo không nên hy vọng các cuộc không kích này sẽ mang lại một chiến thắng nhanh chóng hoặc dễ dàng. Mặc dù giai đoạn đầu của chiến dịch tấn công Libya chắc chắn sẽ được tuyên bố là thành công, song cuộc xung đột này sẽ ngày càng trở nên khốc liệt, với nguy cơ các nước đồng minh phương Tây bị sa lầy vào một cuộc chiến bế tắc kéo dài.

Dư luận tiếp tục phản đối chiến dịch can thiệp quân sự

Tổng thống Barack Obama ngày càng bị nhiều nghị sỹ từ cả hai đảng chỉ trích vì đã không chính thức hỏi ý kiến của Quốc hội trước khi có hành động quân sự ở nước ngoài. Hạ nghị sỹ Cộng hòa Roscoe Bartlett, thành viên của Ủy ban Quân lực Hạ viện, nói rằng "lựa chọn đơn phương" của ông Obama trong việc tham gia vào liên minh được Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm thiết lập vùng cấm bay là đi ngược lại Hiến pháp Mỹ. Trong khi đó, Nghị sỹ Richard Lugar của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, một người được coi là đồng minh của Nhà Trắng trong nhiều vấn đề, cho rằng Quốc hội cần có một cuộc thảo luận đầy đủ về các mục tiêu và chi phí cho vai trò của Mỹ trong các cuộc tấn công. Còn Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Jim Webb cũng thuộc ủy ban này nói rằng "đây không phải là cách mà hệ thống chính trị Mỹ hoạt động".

Biểu tình yêu cầu chấm dứt chiến dịch quân sự tại Libya diễn ra ở nhiều nước.  

Liên quan đến chiến dịch của liên quân, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng sử dụng vũ lực "bừa bãi" của các lực lượng nước ngoài ở Libya. Ông Medvedev cũng bày tỏ lo ngại cách thức thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc về thiết lập vùng cấm bay ở Libya và nguy cơ thương vong trong dân thường. Tổng thống Medvedev cũng tái khẳng định Nga không có kế hoạch tham gia chiến dịch quân sự ở Libya. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang thực hiện chuyến công du Algeri cảnh báo, chiến dịch quân sự do phương Tây cầm đầu ở Libya có thể kích động chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đồng thời kêu gọi các lực lượng này tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 23-3, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã bỏ phiếu thông qua tuyên bố về tình hình Libya. Tuyên bố kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc làm tất cả để buộc các bên liên quan ngừng ngay lập tức chiến sự tại Libya, đồng thời kêu gọi ban lãnh đạo Nga thực hiện sứ mệnh trung gian hòa giải cho cuộc xung đột tại Libya. Duma Quốc gia Nga nhấn mạnh một loạt nước tham gia liên quân đã lợi dụng Nghị quyết 1973 của LHQ làm cái cớ để đạt những mục tiêu khác với mục tiêu bảo vệ người dân. Cuộc không kích của liên quân đã vượt quá giới hạn của nghị quyết, gây ra mối lo chính đáng về quy mô và hình thức sử dụng vũ lực phá hủy các công trình dân sinh và quan trọng hơn, đang dẫn tới những thiệt hại sinh mạng mới cho dân thường. Duma kêu gọi quốc hội các nước có quân đội tham gia chiến dịch thúc đẩy việc ngừng ngay lập tức các hành động quân sự.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
NATO sẽ giữ vai trò chủ chốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.