Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nát bàn”

Người Lái đò| 09/06/2013 06:36

(HNM) - Vừa qua, tại Vĩnh Phúc, thêm một hội nghị học thuật diễn ra với trọng tâm hướng về vấn đề lý luận phê bình đồng hành với thực tế sáng tác và đời sống như thế nào. Cũng như tại nhiều cuộc bàn tròn, bàn dài khác về văn chương, thực trạng lý luận phê bình tiếp tục được mổ xẻ với những thiếu và yếu. Bỗng nhiên thấy… quen quen!

Điểm giống nhau một cách đầy tích cực qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm là tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật". Nhờ thế, thực trạng trong các lĩnh vực văn nghệ luôn được các nhà quản lý, chuyên gia, văn nghệ sĩ phản ánh, xới xáo một cách thường xuyên, trách nhiệm và hăng hái đến mức… tận tụỵ.

Nhưng thực trạng được "chỉ mặt đặt tên", thực trạng bị phê phán, bị chất vấn nhiều đến mức thành quen, có khi thành nhàm, thành cũ. Thực trạng trở nên sự khởi đầu và kéo dài quá nhiều trong mỗi kỳ cuộc, mà mục tiêu "hệ trọng" nhất, lý do để gặp gỡ và bàn thảo là phải làm gì để giải quyết thực trạng đó, như ở hội nghị vừa qua là "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận phê bình văn học" thì lại vẫn… văng vắng!

Tìm không thấy nhiều những nội dung cụ thể để góp phần cho cái nâng cao chất lượng và hiệu quả ấy. Và dù cũng có giải pháp, có đề xuất, kiến nghị, nhưng qua nhiều kỳ cuộc, những giải pháp, đề xuất, kiến nghị ấy thường chung chung và cũng hao hao giống nhau.

Cố nhiên, khi chưa được thỏa nguyện, chưa thấy tình hình cải thiện hoặc chậm thay đổi thì những ý tưởng cũ chưa được hiện thực hóa vẫn là mới, vẫn có thể nhắc lại. Và như vậy, tái diễn thường xuyên qua mỗi dịp trao đổi, bàn thảo là… những phản ánh ấy, những đề đạt ấy. Và rất có thể rồi vẫn sẽ lại… những mong muốn, chờ đợi và hy vọng ấy!

Cho nên, nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm đã buộc phải điều chỉnh trên tinh thần phát biểu chứ không đọc tham luận, tiết chế thời gian diễn giả, tăng cường trao đổi cụ thể... Thế nhưng vẫn chưa đủ! Mức độ hiệu quả phụ thuộc vào việc hội nghị phải đưa ra và tổng kết được những cách làm hay, sát thực, khả thi. Sau đó là sự tích cực của các hội văn học nghệ thuật và cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các giải pháp cũng như bám sát việc triển khai giải pháp.

Còn nếu không, nói vui như câu chuyện của một nhà giáo thì bàn nhiều quá thành ra loanh quanh trong cõi "nát bàn" hết!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Nát bàn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.