Vượt qua giá rét mùa đông, nắng gắt mùa hè hay những cơn mưa lớn làm nước sông lên cao, chảy xiết, công nhân thoát nước Hà Nội bước vào giai đoạn cuối, phấn đấu hoàn thành việc nạo vét bùn sông Tô Lịch trước kế hoạch.
Nạo vét tổng thể bùn thải có thể coi là bước “khởi động” quan trọng, được tiến hành đồng thời cùng nhiều công việc khác nhằm hồi sinh sông Tô Lịch, theo kế hoạch được UBND thành phố Hà Nội lên từ đầu năm 2025.
Nhận nhiệm vụ được giao với yêu cầu cơ bản hoàn thành trong tháng 8-2025, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thành lập ban chỉ huy công trường, phân công công việc tới từng đơn vị trực thuộc, với yêu cầu cao về tiến độ, chất lượng, hiệu quả thi công.
Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp đóng vai trò chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ nạo vét, vận chuyển bùn thải. Các xí nghiệp thoát nước từ số 1 đến 8 phụ trách địa bàn cùng phối hợp hỗ trợ.
Giám đốc Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp Hồ Minh Nhật cho biết, trong giai đoạn I, kéo dài từ ngày 17-2 đến 30-4, đơn vị đã hoàn thành việc nạo vét bùn lòng sông, với chiều dài tuyến khoảng 7km, từ đường Hoàng Quốc Việt đến cầu Khương Đình.
Khối lượng bùn nạo vét được khoảng 50.000 m3. Đây cũng là khu vực bùn dày do lắng đọng qua thời gian dài, khiến lượng công việc phát sinh lớn và quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.
“Xí nghiệp đã huy động tất cả các trang thiết bị, xe, máy, lập kế hoạch phân công nhân lực phù hợp để bảo đảm lực lượng làm liên tục 2 ca/ngày. Với đặc thù phương tiện lưu thông qua khu vực công trường đông đúc nên Xí nghiệp phải làm ca đêm, từ 21h hôm trước đến 5h hôm sau, nhằm bảo đảm hiệu quả và kịp tiến độ. Các tháng đầu năm là khoảng thời gian mùa đông giá rét, nhiều đêm nhiệt độ xuống thấp, anh, em công nhân dầm mình dưới bùn đen nhiều giờ hết sức vất vả…”, ông Hồ Minh Nhật kể.
Chia sẻ thêm về công việc của mình, anh Phan Kỳ San, Tổ trưởng Tổ cơ giới 10, Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp cho hay, bùn dưới lòng sông Tô Lịch chứa nhiều rác thải, dị vật như gạch, đá, bàn ghế, bát hương, túi nilon… nên sau khi vét lên, công nhân phải sàng lọc, nhặt riêng cho vào bao tải, vận chuyển lên xe tải trên bờ chở đi.
Phần bùn thải không còn dị vật được hút vào các xe stec để vận chuyển về bãi bùn Yên Sở xử lý. Mỗi đêm, lái xe phải chạy quay vòng 3-4 chuyến, trên quãng đường tổng cộng lên tới cả trăm ki lô mét.
Trong điều kiện thi công về đêm thiếu sáng, các khu vực nạo vét đều được bố trí bị thêm máy phát điện và đèn trợ sáng dọc bờ sông. Công ty và các xí nghiệp trang bị đầy đủ thiết bị, vật dụng bảo hộ, chống rét cho công nhân.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội trực tiếp tới hiện trường tặng miếng dán giữ nhiệt, nước ấm, động viên người lao động làm việc trong thời tiết khắc nghiệt.
Sau giai đoạn I, Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp đang tiếp tục thực hiện công việc ở giai đoạn II, từ cầu Khương Đình đến chùa Bằng, gần đập Cầu Quang, với chiều dài 5km, khối lượng bùn dự kiến khoảng 11.800 m3.
Khối lượng bùn đã nạo vét đến thời điểm này đạt hơn 2/3, xấp xỉ 8.600 m3. Khoảng 3.200 m3 còn lại ở đoạn hạ lưu đang tiếp tục được xử lý.
Nếu mùa đông thời tiết giá rét thì những đợt nắng nóng cao điểm của mùa hè vừa qua cùng các trận mưa lớn đầu mùa khiến nước sông dâng cao, dòng chảy xiết, là những khó khăn gây cản trở, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công của các đội thợ.
“Tuy nhiên, trước nhiệm vụ quan trọng, mỗi cán bộ, người lao động của xí nghiệp đều nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt phần việc đảm nhận. Chúng tôi cũng coi công việc mình đang làm hôm nay là một vinh dự vì được đóng góp một phần sức lực vào việc hồi sinh dòng sông Tô Lịch, làm đẹp cho thành phố”, ông Hồ Minh Nhật chia sẻ.
Được biết, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cùng các xí nghiệp trực thuộc đang nỗ lực hoàn thành việc nạo vét tổng thể sông Tô Lịch trước ngày 31-7, hoàn thành sớm hơn thời hạn thành phố giao là trong tháng 8-2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.