Tại nhiều đoạn dọc sông Tô Lịch được bàn giao mặt bằng triển khai dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, ban quản lý dự án chưa kịp thời trồng lại cây xanh, thảm cỏ, thu dọn rác, phế thải..., dẫn đến mất mỹ quan đô thị, làm ảnh hưởng cảnh quan chung.
Chỗ được chăm sóc, chỗ còn bừa bộn
Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, hệ thống cây xanh trên tuyến đường 2 bên sông Tô Lịch được giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội quản lý, gồm 5.533 cây bóng mát, 8.749 cây cảnh khóm, 41.405 m2 cây mảng lá màu, 14.256 m2 thảm cỏ, 685 m2 cây hàng rào viền. Hệ thống cây xanh này được đấu thầu duy trì, chăm sóc.
Theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội, cây cảnh, cây mảng, thảm cỏ bị xâm hại, già xấu, chết đã được nhà thầu trồng dặm và chăm sóc.
Hai quý đầu năm 2025, các nhà thầu đã trồng thay thế 33.300 m2/36.330 m2 cây mảng, thảm cỏ cần khắc phục trên toàn tuyến, trong đó đoạn trên đường Láng (từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở) đã trồng thay thế toàn bộ 2.630/2.630 m2 cây mảng, thảm cỏ cần khắc phục. Ngoài ra, các nhà thầu đã chặt hạ, đánh gốc toàn bộ 39 cây chết; trồng thay thế cây chết, bổ sung hố trống 307/307 cây.
Để bảo đảm vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, Trung tâm đã chỉ đạo nhà thầu thu duy trì cây xanh gom rác thải tại các bồn hoa, dải phân cách trên tuyến thường xuyên, liên tục theo ngày.
“Phần khối lượng còn lại chưa thực hiện do chờ dự án nạo vét sông Tô Lịch. Trung tâm sẽ đôn đốc các nhà thầu hoàn thành ngay sau khi được hoàn trả mặt bằng”, ông Hưng nêu.
Cũng theo ông Hưng, bên cạnh tuyến cây xanh do Trung tâm đang quản lý, còn có các đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá cho Ban Quản lý dự án đầu tư xay dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội. Ban Quản lý dự án có trách nhiệm chăm sóc, trồng lại cây xanh.
Theo thống kê, phạm vi đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội gồm 28 khu vực, với 3.406 cây cảnh đơn lẻ, khóm; 7.294 m2 cây mảng lá màu; 19.968 m2 thảm cỏ; 817 m2 cây hàng rào viền.
Một số đoạn đã được Ban Quản lý dự án trồng lại, song nhiều vị trí chưa bảo đảm yêu cầu, cây dại, cây chết, cỏ dại mọc lẫn; tồn nhiều gạch đá, phế thải bị đổ trộm, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và cảnh quan chung của tuyến đường Láng.
Qua khảo sát của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội, phía bờ phải sông Tô Lịch có 9 khu vực, hệ thống cây xanh không được duy trì, cắt tỉa, chăm sóc thường xuyên dẫn đến cây bị chết, thưa trống, mất mỹ quan. Điển hình như cây cảnh, khóm trồng dọc hè các tuyến Quan Hoa, Nguyễn Khang, Nguyễn Ngọc Vũ, Kim Giang…
Bên cạnh đó, các tiểu cảnh từ Cầu Dậu đến cầu Bắc Linh Đàm… để hoang hóa, cây cối rậm rạp, mất mỹ quan đô thị, cây bóng mát bị gãy đổ, rác thải xây dựng và rác thải sinh hoạt nhiều, chưa được khắc phục.
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án khẩn trương trồng, hoàn trả cây xanh, thảm cỏ và hoàn thiện các thủ tục bàn giao lại cho Sở Xây dựng để đưa vào quản lý, chăm sóc, duy trì theo quy định. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án chưa thực hiện.
Phải hoàn thành chỉnh trang hệ thống cây xanh dọc sông Tô Lịch trong tháng 8
Chia sẻ về công việc trong thời gian tới, ông Hưng cho hay, Trung tâm đã yêu cầu với các nhà thầu duy trì cây xanh tăng cường chăm sóc; trồng bổ sung các vị trí cây cảnh, khóm, cây mảng bị thưa trống, chết; thu gom rác đảm bảo vệ sinh các dải phân cách có cây xanh; phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ cây xanh, tập kết rác đúng nơi quy định.
Ngoài ra, đơn vị duy trì hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sẽ tham gia cắt tỉa cỏ dại, cây dại trên mái taluy để đảm bảo cảnh quan tại các khu vực được giao quản lý.
Đối với một số cây cảnh khóm do các quận trước đây trồng trên vỉa hè, Trung tâm sẽ yêu cầu nhà thầu quản lý, duy trì cây xanh cắt tỉa, chăm sóc để đảm bảo cảnh quan. Trung tâm sẽ tổng hợp số liệu và báo cáo Sở Xây dựng bổ sung khối lượng vào gói thầu hiện có.
"Cây bóng mát sẽ được kiểm tra, cắt tỉa thường xuyên đảm bảo cảnh quan và an toàn mùa mưa bão; rà soát và trồng thay thế ngay các cây chết mới phát sinh. Các phần việc này phải hoàn thành trong tháng 8-2025", ông Hưng nêu.
Đối với phạm vi đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội, Trung tâm kiến nghị Sở Xây dựng có văn bản gửi Ban, yêu cầu chăm sóc, cắt tỉa, nhổ cây dại, thu dọn gạch, đá, phế thải vận chuyển về nơi quy định; trồng, hoàn trả cây xanh, thảm cỏ và bàn giao lại cho Sở Xây dựng Hà Nội để quản lý, chăm sóc, duy trì theo quy định, đảm bảo cảnh quan chung toàn tuyến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.