Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng ý thức để góp phần “giảm nhiệt điểm nóng”

Linh Song| 17/09/2022 13:07

(HNNN) - Hạ tầng quá tải trong khi dân số gia tăng cơ học cao, lượng phương tiện cá nhân tăng mạnh khiến tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn tiếp tục diễn biến phức tạp. Thế nhưng, thay vì cùng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đi đúng phần đường, nhường nhịn nhau, không ít người tham gia giao thông đã hành xử thiếu ý thức, khiến tình trạng ùn tắc càng thêm trầm trọng. Nên chăng, thay vì than phiền, hành xử ích kỷ, mỗi người cần tự nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật để chí ít không góp phần làm “tăng nhiệt điểm nóng” giao thông.

Nhiều người dân vẫn thản nhiên đi ngược chiều trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Lê Phú

Những hành vi xấu xí

Có lẽ hằng ngày, khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chúng ta thường bắt gặp những hành vi, hình ảnh xấu xí của một số cá nhân, đặc biệt là khi xảy ra ùn tắc. Thay vì xếp hàng nối đuôi nhau “tuần tự tiến”, họ sẵn sàng thể hiện sự “thông minh hơn người” bằng cách len lỏi để “điền vào chỗ trống”. Đáng nói, hành vi này không chỉ xảy ra với người điều khiển xe máy mà cả với không ít người điều khiển ô tô, kể cả là xe sang. Tình trạng lái xe luồn lách, dàn hàng ngang chiếm hết lòng đường, dẫn tới khi gặp “nút cổ chai” hay điểm giao cắt càng khiến ùn tắc thêm trầm trọng.

Anh Đặng Đình Nam (ở phố Ngọc Lâm, quận Long Biên) cho biết, mỗi lần đi qua cầu Chương Dương vào giờ cao điểm sáng để đến cơ quan thực sự là một “cực hình”. Có hôm, người điều khiển ô tô dàn thành hàng 4 tiến lên cầu, chiếm hết phần đường của người đi xe máy. Không còn đường đi, nhiều người điều khiển xe máy lại “leo” lên hè đường, nhưng ngay cả vỉa hè cũng thường bị ô tô của các cửa hàng buôn bán “án ngữ”.

Bức xúc không kém, anh Nguyễn Chí Lợi (phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) kể, nhiều lúc đi trên đường vành đai 3 trên cao, muốn rẽ xuống đường bên dưới cũng rất khó khăn vì một loạt phương tiện đã nối đuôi nhau xếp hàng cả vào làn khẩn cấp, bịt kín lối xuống. Tại nhiều ngã tư có biển chỉ đường với chu kỳ đèn tín hiệu cho rẽ trái, đi thẳng khác nhau, nhưng không ít người điều khiển phương tiện vẫn thản nhiên “điền vào chỗ trống”, chặn đường đi của phương tiện đang đi đúng làn đường... Những hình ảnh phương tiện lấn làn, đi không đúng phần đường quy định được cư dân mạng ghi lại, “tố cáo” trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Đã có không ít trường hợp thông qua những hình ảnh đó cơ quan chức năng đã lần tìm, xử lý nghiêm khắc “đương sự”.

Ngoài tình trạng thiếu ý thức khi tham gia giao thông, thời gian gần đây mạng xã hội cũng thường xuyên phản ánh những hành vi dừng đỗ xe bừa bãi, đỗ không đúng ô, vị trí đã quy định, thậm chí bịt kín cửa, lối ra vào nhà người khác. Để “đối phó” tình trạng này, nhiều người dân, đa phần là chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh có mặt tiền đã tự ý để vật cản, kẻ vạch, kể cả đóng đinh trên vỉa hè, lòng đường khu vực trước nhà mình nhằm “giữ đất”, thậm chí dùng “biện pháp mạnh” như xịt lốp, đổ sơn, dùng vật sắc nhọn “kẻ vẽ” lên chiếc xe “vô duyên” án ngữ nhà/cửa hàng mình. “Lấy cái sai để đối phó cái sai”, những hành vi đó cũng bị dư luận lên án, song tình hình vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể. Ngay cả trên một số tuyến phố được thí điểm quy định đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ như: Dã Tượng, Thi Sách, Nguyễn Gia Thiều..., việc đỗ xe hai hàng vẫn diễn ra bất chấp ngày chẵn lẻ, khiến phương tiện lưu thông qua đây gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, một hành vi vô cùng phản cảm, bị coi là vô đạo đức, liên tục bị “bóc phốt” trên các diễn đàn mạng xã hội gần đây, gây bức xúc dư luận, đó là không ít tài xế cố tình che biển kiểm soát hoặc làm sai lệch biển kiểm soát phương tiện để tránh bị phạt nguội khi vi phạm các quy định về giao thông, như “biến” chữ F thành chữ E (và ngược lại), số 8 thành số 3, số 3 thành số 8... Đáng lo ngại, mặc dù theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi cố tình che, xóa, làm thay đổi biển số xe lên tới 4 - 6 triệu đồng, tuy nhiên vi phạm này vẫn tương đối phổ biến.

Phải xử lý nghiêm khắc hơn

Tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng mạnh, lượng phương tiện cá nhân ngày càng lớn khiến tình hình giao thông được dự báo tiếp tục căng thẳng. Đặc biệt, khi vận tải hành khách công cộng với chủ lực là xe buýt hiện chưa đáp ứng được nhu cầu, đường sắt đô thị mới có 1 tuyến đi vào hoạt động, còn phần lớn vẫn ở “thì tương lai”, thì việc nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về giao thông càng có ý nghĩa, đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế, giảm bớt ùn tắc, tai nạn. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, giải pháp tác động vào ý thức người tham gia giao thông cũng được tính đến. Việc tách làn phương tiện được thực hiện thí điểm từ năm 2008 trên một số tuyến phố là một ví dụ. Mục đích của việc tiến hành phân luồng, tách làn chính là nhằm nâng cao ý thức để người dân tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định. Tuy nhiên, do công tác xử phạt vi phạm chưa sát sao, còn thiếu sức răn đe nên nhiều người vẫn... nhờn luật.

Để xử lý những hành vi thiếu ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, bên cạnh việc kiểm tra, xử lý tại chỗ, lực lượng cảnh sát giao thông đã tiến hành phạt nguội. Bình quân hằng tháng danh sách phương tiện bị phạt nguội tại Hà Nội đã lên tới hơn một nghìn trường hợp, nhưng xem ra con số này vẫn chưa đủ sức nặng để có thể thay đổi hành vi tham gia giao thông của một bộ phận người dân.

Theo Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, để giảm ùn tắc, tai nạn, mỗi người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giao thông, đi đúng làn, không chen lấn kiểu mạnh ai nấy đi... Bên cạnh việc nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tham mưu, đề xuất khắc phục kịp thời các “điểm đen” mất an toàn giao thông. Trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, cơ quan chức năng chú trọng kiểm tra, xử lý các lỗi được xác định là nguyên nhân gây tai nạn và ùn tắc giao thông như chở quá tải trọng; vi phạm quy định về tốc độ; vi phạm quy định về nồng độ cồn; đi sai phần đường, làn đường; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông... Các lực lượng chức năng tập trung duy trì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông...

Để chấn chỉnh tình trạng thay đổi biển số phương tiện nhằm “qua mặt” lực lượng chức năng, Cục Cảnh sát giao thông đã chỉ đạo các lực lượng chủ động phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, cấp biển số của các công ty sản xuất biển số xe; phối hợp với Công an cấp cơ sở, các lực lượng nghiệp vụ xử lý nghiêm các đối tượng có biểu hiện sản xuất, mua bán biển số xe trái phép trên địa bàn. Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, đối chiếu cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát trật tự an toàn giao thông, phối hợp với các đơn vị thu phí trên tuyến, địa bàn... để phát hiện, xử lý các phương tiện gắn biển số không đúng quy định, nhất là các trường hợp làm thay đổi chữ, số trên biển kiểm soát... và xử lý nghiêm. Đó là việc làm cần thiết để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giảm ùn tắc, giảm số vụ tai nạn giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng ý thức để góp phần “giảm nhiệt điểm nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.