Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nặng xin - cho, thiếu minh bạch

Lương Ninh Giang| 06/06/2011 06:58

(HNM) - Cơ chế xin - cho cùng với thủ tục hành chính rườm rà; quy hoạch không phù hợp với thực tế nhưng chưa được sửa đổi; cơ quan thanh tra chuyên ngành về khoáng sản chưa đủ mạnh… Hàng loạt bất cập đang khiến cho tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và khai thác khoáng sản diễn ra phổ biến, đến mức đáng báo động.

Minh bạch trong lĩnh vực hoạt động này là một đòi hỏi cấp thiết nhằm bảo đảm tài nguyên không bị thất thoát.

Nhiều sai phạm trong quản lý và khai thác


Khai thác than tại Quảng Ninh.


Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, cả nước đã thực hiện hàng nghìn lượt kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản, ra quyết định xử phạt hơn 12 tỷ đồng và xử lý, giải tỏa các tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép. Sai phạm xảy ra ở các khâu của hoạt động khai thác khoáng sản từ ban hành văn bản, hoạt động cấp phép, hoạt động khai thác đến các vi phạm về quản lý môi trường, về chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác… Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh rất khó khăn trong tiếp cận thông tin liên quan đến dự án khai thác khoáng sản. Để có được thông tin cần thiết, DN phải chi những khoản tiền không nhỏ, vẫn thường được gọi là chi phí "bôi trơn". Không chỉ có vậy, thời gian thụ lý, giải quyết hồ sơ, phê duyệt báo cáo tác động môi trường của dự án cũng là những rào cản với DN. Một số DN cho biết, trung bình thời gian phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là 69 ngày, nhưng có trường hợp kéo dài tới 953 ngày. Theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thủ tục kéo dài (có DN phải xin tới 26 con dấu mới có được giấy phép khai thác khoáng sản) cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Chính ách tắc về thủ tục và cơ chế xin - cho trong việc cấp phép khai thác khoáng sản đã khiến cho nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia bị khai thác một cách vô cùng lãng phí. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cũng thừa nhận, việc cấp phép hoạt động khoáng sản hiện nay vẫn nặng cơ chế xin - cho; nhiều quy định của Luật Khoáng sản (sửa đổi, bổ sung) không còn phù hợp với thực tế; cơ chế phân cấp thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản không hợp lý; quy hoạch không phù hợp với tình hình thực tế nhưng chưa được sửa đổi; cơ quan thanh tra chuyên ngành về khoáng sản chưa đủ mạnh…

Cải cách: Có thực sự khó?

Quản lý chặt, khai thác hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên là tiền đề quan trọng cho quá trình phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng, quản cách nào để khai thác khoáng sản một cách hiệu quả lại là câu hỏi không dễ trả lời, bởi cơ chế, chính sách trong quản lý hoạt động này vẫn tồn tại nhiều kẽ hở. Chẳng hạn như đề án "Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, song hiện chưa có chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch trong từng giai đoạn. Vì thế, tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, các hoạt động khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, theo hình thức thủ công vẫn diễn ra phổ biến không có cách gì ngăn cấm.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ hiến kế, trong lĩnh vực khoáng sản, giải pháp trước mắt là cần sớm lập ra một DN có sức cạnh tranh tương đương với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nhằm hạn chế tình trạng "một mình một chợ". Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc của vấn đề thì phải cổ phần hóa các DN nhà nước đó dưới dạng chia nhỏ ra hoặc có sự tham gia của các đơn vị khác.

Một số chuyên gia cho rằng, cần phải cải cách mạnh để hoạt động khai thác tài nguyên được minh bạch. Phải có sự cân nhắc giữa lợi ích của việc khai thác khoáng sản so với hành động bù đắp vào môi trường của DN khai thác. Ngoài ra, ngành chức năng cần có những hành động quyết liệt để cải thiện tính minh bạch trong lĩnh vực này, đồng thời khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý về khoáng sản; xây dựng chiến lược khoáng sản, nâng cao tính khả thi của quy hoạch khoáng sản; đổi mới cơ chế bảo vệ tài nguyên khoáng sản; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản… Ông Phạm Quang Tú, Viện Tư vấn phát triển - CODE cho biết, các thông tin về nguồn thu - chi của DN thường không được công bố rộng, trừ một số DN đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, khiến cho người dân không có cơ hội tiếp cận các thông tin này... Do đó, trong các quy định pháp lý cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của DN ngành khai khoáng để dễ kiểm soát.

Một số chuyên gia quốc tế cho rằng, tăng cường tính minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng là một đòi hỏi cấp thiết. Các DN khai khoáng bắt buộc phải công bố những khoản tiền phải trả cho Chính phủ để được cấp quyền khai thác. Chính phủ phải xây dựng các quy định pháp lý yêu cầu DN báo cáo thu nhập theo từng giai đoạn hoạt động.

Theo Bộ TN-MT, hiện có hơn 2.000 DN có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản với sự tham gia của hầu hết các thành phần kinh tế. Đến tháng 4-2011, cả nước có 121 giấy phép thăm dò, 3.882 giấy phép khai thác do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ cấp còn hiệu lực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nặng xin - cho, thiếu minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.