(HNM) - Đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu với thị trường rộng lớn gồm 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, gạo Việt Nam đang khẳng định vị thế mặt hàng chiến lược.
Mặt hàng nông sản giá trị
Lúa gạo đang là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị của ngành Nông nghiệp. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo cả nước đạt 1,43 triệu tấn, tương đương 593 triệu USD; trong đó, tỷ lệ gạo trắng xuất khẩu chiếm tới 60% tổng kim ngạch, gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 29%…
Gạo sạch Việt Nam trưng bày tại Festival lúa gạo lần III tại Long An. |
Cùng với tỷ lệ gạo cao cấp tăng, giá xuất khẩu gạo cũng có những chuyển biến tích cực. Có thời điểm, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã vượt qua giá gạo Thái Lan - cường quốc xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới. Điểm đáng ghi nhận tiếp theo là sự mở rộng về thị trường xuất khẩu.
Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, hiện gạo Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường châu Á chiếm gần 70%, châu Phi chiếm 15%, còn lại là Mỹ và các thị trường khác. Đặc biệt, trong những năm gần đây, gạo Việt Nam đã bước đầu thâm nhập được các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ…
Đặc biệt, nhiều cơ chế, chính sách về thu mua lúa gạo đã được điều chỉnh kịp thời, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu gạo. Chính phủ đã có tháo gỡ kịp thời khi ban hành Nghị định 107/2018/NÐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo (có hiệu lực từ ngày 1-10-2018) thay thế Nghị định 109/2010/NÐ-CP về lĩnh vực này.
Những điều khoản được dỡ bỏ như: Không bắt buộc thương nhân kinh doanh sở hữu kho chứa thóc gạo, cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo; bãi bỏ quy định bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam… đã tạo điều kiện thuận lợi, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, góp phần tăng giá trị cho hạt gạo Việt Nam.
Chìa khóa mở cánh cửa...
Sự tăng trưởng của ngành lúa gạo trong những năm qua là kết quả tích cực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường từng trăn trở: Xuất khẩu gạo Việt Nam đứng thứ 3 thế giới song chất lượng gạo nước ta theo phản hồi của thị trường thế giới chỉ đứng thứ 5, thứ 6, sau cả Ấn Độ và đứng ngang Trung Quốc - nước mới tham gia xuất khẩu gạo gần đây.
Việc chậm xây dựng thương hiệu cho hạt gạo cũng là hạn chế đáng chú ý. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình - doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao hàng đầu Việt Nam: Trải qua quá trình phát triển hơn chục năm, đến cuối năm 2018, logo thương hiệu gạo Việt Nam mới được chọn lựa và công bố. Việc chậm xây dựng thương hiệu, không có chiến lược quảng bá... khiến giá gạo Việt Nam trong nhiều thời điểm vẫn thấp hơn các nước xuất khẩu gạo trên thế giới.
Nguyên nhân những hạn chế trên là sản xuất lúa của Việt Nam chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ nên khó kiểm soát chất lượng hoặc chất lượng không đồng đều; nguồn giống lúa chất lượng cao đưa vào sản xuất đã mở rộng song chưa xứng tầm; tỷ lệ thất thoát trong các khâu còn cao; công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ gạo chưa phát triển; nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn chú trọng số lượng, chưa có chiến lược quảng bá, xúc tiến thương mại bài bản...
Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho rằng, giải pháp hàng đầu hiện nay là tập trung vào chất lượng. Thương hiệu hay logo chỉ là cánh cửa để gạo Việt Nam bước rộng, bước sâu và chắc chắn hơn trên thị trường thế giới nhưng chìa khóa để mở cánh cửa này nằm ở chất lượng hạt gạo. Có thương hiệu nhưng chất lượng chưa tương xứng thì khó có thể vào được những thị trường lớn...
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian qua, Bộ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, đưa vào sản xuất những giống lúa năng suất, chất lượng tốt. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất gạo chất lượng cao trên nền tảng truyền thống và thế mạnh địa phương; đẩy mạnh vai trò các hợp tác xã, doanh nghiệp trong hình thành chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín. Đến nay, hệ thống chuỗi sản xuất lúa gạo, mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được nhân rộng tại nhiều địa phương, qua đó, bước đầu kiểm soát tốt chất lượng gạo từ khâu sản xuất.
Đối với vấn đề chế biến, việc tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào chuỗi lúa gạo trong những năm qua đã giúp công nghệ sản xuất, chế biến gạo Việt Nam được cải thiện đáng kể. Bộ NN&PTNT tiếp tục kiến nghị cụ thể với Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp có nguồn vốn, cơ chế chính sách để đầu tư sâu vào chế biến lúa gạo và các sản phẩm từ gạo.
Về thị trường, ngoài duy trì và phát huy thị trường truyền thống, gạo Việt Nam cần tiến sâu vào các thị trường mới tuy có yêu cầu chất lượng cao nhưng giá trị lớn, như: Mỹ, Hàn Quốc, EU… Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, thời gian tới, Bộ tiếp tục cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu gạo Việt Nam tại các thị trường truyền thống, tiềm năng; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin xúc tiến thương mại; tăng cường xúc tiến thương mại đa kênh... qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và nâng vị thế của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.