(HNM) - Với nhiều nỗ lực trong thời gian qua, hàng Việt Nam đã đến tay người tiêu dùng ở nhiều nơi trên thế giới thông qua hệ thống các siêu thị ngoại. Tuy nhiên, để giữ vững thương hiệu, ổn định và nâng cao thị phần xuất khẩu, hướng tới mục tiêu trở thành nguồn cung hàng hóa quan trọng của các nhà phân phối nước ngoài, doanh nghiệp Việt cần tiếp tục vượt qua nhiều thách thức.
Mở lối cho hàng Việt
Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, hơn 150 mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam đã cùng góp mặt tại Tuần lễ hàng Việt Nam do Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan phối hợp cùng Tập đoàn bán lẻ Central Group tổ chức ở Trung tâm thương mại Central tỉnh Udon Thani (Thái Lan). Các sản phẩm như hoa Dalat Hasfarm, dược phẩm Lâm Đồng, dệt kim Đông Xuân, văn phòng phẩm Hồng Hà, hạt sen ăn liền Đồng Tháp, vải thiều Hải Dương… đã được giới thiệu trong chương trình.
Cùng thời điểm trên, “Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Aeon Nhật Bản” năm 2021 được tổ chức ở Trung tâm thương mại Aeon Lake Town, tỉnh Saitama (Nhật Bản) và tại 350 cửa hàng trong chuỗi bán lẻ của Tập đoàn Aeon. Nông sản, thực phẩm, thủy sản, hàng dệt may, da giày, đồ gia dụng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe… của Việt Nam đã hiện diện tại sự kiện này. Tuần hàng còn được triển khai trên hệ thống bán hàng trực tuyến của Tập đoàn Aeon. Cũng như một số tuần hàng Việt Nam khác, đây là những sự kiện thường niên được tổ chức nhiều năm qua, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng nhiều nơi trên thế giới.
Cùng với đó, thương vụ Việt Nam tại các nước cũng đẩy mạnh kết nối đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị tại nhiều quốc gia. Tiêu biểu như Thương vụ Việt Nam tại Australia đã đưa gạo, thanh long, xoài, vải, nhãn... vào hệ thống siêu thị tại nước sở tại. Ngay trong tháng 7 này, chương trình xúc tiến “Ẩm thực xoài xanh, phong vị quê hương” đang diễn ra tại Australia. Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, hiện các cửa hàng, siêu thị tại thành phố Melbourne và Sydney đang bán xoài xanh Việt Nam với giá 15-17 AUD/kg, tương đương khoảng 258.000-292.000 đồng/kg.
Trước đó, vào trung tuần tháng 6-2021, lần đầu tiên vải thiều Việt Nam đã lên kệ các siêu thị châu Á tại Hà Lan, Pháp, Đức, Na Uy với mức giá hơn 500.000 đồng/kg. Đây được xem là sự kiện khai thông thị trường để vải thiều và nhiều loại hàng hóa Việt tiếp cận thị trường châu Âu.
Theo Bộ Công Thương, hiện có hàng nghìn doanh nghiệp Việt đã được kết nối với các hãng phân phối nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Central Retail và Mega Market (Thái Lan), Lotte (Hàn Quốc), Walmart (Mỹ)… Ước tính 5 năm qua, trung bình mỗi năm Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD qua hệ thống phân phối nước ngoài.
Tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến xuất khẩu
Hàng Việt đã “rộng cửa” tới thị trường quốc tế thông qua tiếp cận hệ thống bán lẻ tại nhiều quốc gia. Song để hấp dẫn người tiêu dùng và được các nhà buôn nước ngoài chọn lựa, hàng Việt, doanh nghiệp Việt còn phải vượt qua không ít thách thức.
Ông Makoto Nakamura, chuyên gia tư vấn thương mại quốc tế, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản chỉ rõ: “Trong xu hướng tiêu dùng mặt hàng thực phẩm, người dân Nhật Bản quan tâm nhất tới vấn đề an toàn cho sức khỏe, sau đó mới đến giá cả, tính tiện lợi và thực phẩm cao cấp là ưu tiên cuối cùng. Do vậy, quy trình nhập khẩu nông sản, thực phẩm vào Nhật Bản phải qua các bước kiểm dịch động, thực vật trước khi được thông quan. Tiếp đến là việc kiểm tra sản phẩm có phù hợp với Luật Vệ sinh môi trường hay không. Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn là điều kiện cần thiết để hàng hóa Việt Nam được tiếp nhận tại Nhật Bản”.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh phân tích, hàng Việt cần bảo đảm liên kết đồng bộ từ khâu sản xuất, bảo quản, vận chuyển tới xuất khẩu, đồng thời đáp ứng đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng mới có thể giữ vững thương hiệu, ổn định và mở rộng thị phần. Còn ông Vince Trần, đại diện siêu thị Walmart tại Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu sâu hơn thị trường tiêu dùng Mỹ để phát triển sản phẩm phù hợp với thị hiếu, đồng thời bảo đảm quy mô sản xuất, sản lượng để có thể cung cấp hàng hóa liên tục và cạnh tranh tốt về giá.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh, thời gian qua, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về các tiêu chuẩn quốc tế trong xuất, nhập khẩu đã được nâng lên. Tuy nhiên, để hàng Việt vững chân và chiếm lĩnh, xuất hiện ngày càng nhiều trên kệ hàng của các siêu thị lớn, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự thay đổi bằng quyết tâm lớn, làm đến nơi đến chốn.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Mục tiêu không chỉ là tăng số lượng doanh nghiệp có sản phẩm trong hệ thống phân phối nước ngoài, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn hướng tới đưa Việt Nam trở thành nguồn cung hàng hóa quan trọng của các thị trường lớn trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.