Góc nhìn

Nâng tầm hạt gạo Việt

Quỳnh Anh 16/12/2023 - 06:13

Năm 2023, ngành lúa gạo Việt Nam đã tạo bước đột phá mới trong xuất khẩu. Ước tính 11 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 7,8 triệu tấn gạo, thu về kim ngạch 4,4 tỷ USD.

Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là những con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt Nam tham gia thị trường thế giới.

Thông tin đáng mừng trên không phải là quá mới. Nói vậy, bởi nhiều năm qua Việt Nam là một trong những nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Hạt gạo Việt Nam đã có mặt tại các thị trường, từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ tới châu Phi.

Song, đặt trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, bất ổn về kinh tế gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát ở mức cao tại nhiều nước như hiện nay thì những con số này lại rất có ý nghĩa, cho thấy vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao hơn bao giờ hết.

Hẳn chúng ta còn nhớ, nhiều thập niên về trước, chạy gạo từng bữa là nỗi lo toan thường nhật của người dân. Tuy nhiên, nhờ triển khai những chính sách quan trọng, đúng đắn về phát triển nông nghiệp, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo. Ngày nay, vị thế của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam được củng cố, nâng cao không chỉ ở những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu, mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng khi gạo Việt Nam liên tiếp được vinh danh trên trường quốc tế. Mới đây nhất, tại Hội nghị Thượng đỉnh lúa gạo quốc tế năm 2023, diễn ra ở Philippines từ ngày 27-11 đến 1-12, gạo Việt Nam đã được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”…

Dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại. Có thể kể đến như thực trạng sản xuất lúa gạo còn nhỏ lẻ, chi phí cao. Khối lượng gạo xuất khẩu lớn nhưng giá trị chưa cao, thu nhập người trồng lúa thấp. Tư duy sản xuất, kinh doanh của các bên trong chuỗi giá trị gạo chưa theo hướng thị trường và bền vững. Sự phát triển của ngành lúa gạo đang đứng trước một số thử thách do hiệu quả thấp, thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và chịu tác động của biến đổi khí hậu...

Nước ta đã hội nhập sâu vào thị trường thế giới. Để vượt qua thử thách, phát huy lợi thế, giữ vững thị trường và phát triển thương hiệu gạo, ngành lúa gạo cần sớm tháo gỡ những điểm yếu, điểm nghẽn.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Trong thông điệp gửi tới Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, diễn ra từ ngày 11 đến 15-12 tại tỉnh Hậu Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới xây dựng và phát triển kế hoạch sản xuất 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp”. Các bộ, ngành và địa phương có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, vào cuộc triển khai đồng bộ các giải pháp, sớm hình thành những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng những quy trình canh tác bền vững.... Có như vậy, mới hiện thực hóa thành công đề án và thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, qua đó nâng tầm hạt gạo Việt, tạo ra “cuộc cách mạng” về chất cho gạo Việt.

Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân. Sản xuất lúa gạo là lợi thế và có vai trò nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Do đó, cần cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, bảo đảm gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng; đồng thời, đổi mới cơ chế, chính sách, tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Đặc biệt là có những chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho canh tác lúa, tăng quy mô sản xuất lúa nông hộ và thu hút doanh nghiệp đầu tư gieo trồng lúa quy mô lớn.

Là chủ thể trong sản xuất lúa gạo, người nông dân cũng cần phải thay đổi tư duy, nhận thức, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến canh tác bền vững. Trong quá trình sản xuất, cần chú trọng bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, tiến tới một nền nông nghiệp xanh mà hướng tiếp cận là xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, sản xuất ra những hạt gạo đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới.

Việc thay đổi căn cơ nhận thức của người sản xuất, kinh doanh lúa gạo, sự chung tay của cả hệ thống chính trị là “chìa khóa” bảo đảm nâng tầm hạt gạo Việt, giúp cho hạt gạo Việt vươn xa, tiếp tục tạo được những bước đột phá mới trong xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm hạt gạo Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.