(HNMCT) - Mùa hè thời tiết oi bức, nhiệt độ tăng cao, trong khi sức đề kháng của người cao tuổi ngày một giảm nên nguy cơ mắc bệnh rất lớn. Dự báo mùa hè năm nay sẽ có những đợt nắng nóng khắc nghiệt. Vậy biện pháp nào để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ở người cao tuổi?
Những bệnh dễ mắc trong mùa hè
Ở người cao tuổi, hệ thống miễn dịch của cơ thể suy giảm cộng với sự phát triển mạnh của vi khuẩn, vi rút trong mùa hè khiến họ rất dễ mắc các bệnh về rối loạn tiêu hóa, tim mạch, đột quỵ, hô hấp, xương khớp, bệnh ngoài da...
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tú, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tim Hà Nội) cho biết, nắng nóng gây trở ngại lớn với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch. Bởi khi nắng nóng, người cao tuổi thường ra mồ hôi nhiều, nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau, canh thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải. Mất nhiều nước sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ tim mạch, có thể làm tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt... Do đó, khi thời tiết nắng nóng bất thường có những bệnh nhân vừa xuất viện đã phải nhập viện trở lại do khó thở, mất nước... Thậm chí, vào mùa hè, do chế độ sinh hoạt hằng ngày không hợp lý, người cao tuổi cũng có thể bị cảm lạnh. Chẳng hạn đang đi ngoài nắng về tắm ngay hoặc ra vào phòng điều hòa, từ trong xe ô tô bước ra ngoài trời nắng đột ngột... Chính sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột khiến cơ thể người cao tuổi khó thích nghi. Ở trường hợp nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên, như viêm họng, viêm mũi..., nếu nặng dễ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi...
Trong các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp xảy ra vào mùa hè thì bệnh đột quỵ ở người cao tuổi chiếm một tỷ lệ đáng kể. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ nhưng lại là yếu tố thuận lợi khiến những người tiềm ẩn những bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì hoặc người nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu, bia... có thể bị đột quỵ. Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt nửa cơ thể, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội...
Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết thêm, nắng nóng kéo dài còn khiến đồ ăn, thức uống rất dễ hỏng, ôi thiu, nhiễm khuẩn... gây ra tiêu chảy cấp. Người già bị tiêu chảy cấp nếu không bù nước, điện giải kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Bên cạnh đó, mùa nắng nóng người cao tuổi thường mắc các bệnh viêm da dị ứng gây ngứa. Ngứa có khi không chỉ ở một vùng của da mà lan tỏa nhiều nơi, thậm chí có trường hợp viêm da dị ứng nhiễm trùng gây mưng mủ, lở loét.
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ
Thời tiết nóng bức sẽ gây căng thẳng, khó chịu, thậm chí người mắc bệnh mạn tính quên uống thuốc, ngại đi khám... Chính các yếu tố này càng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Trong những ngày nắng nóng, bản thân những người có sẵn nguy cơ đột quỵ và gia đình phải giúp bệnh nhân kiểm soát các yếu tố này để phòng tránh. Bác sĩ Đào Việt Phương, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để hạn chế đột quỵ xảy ra thì đó là dự phòng cấp 1. Còn khi đã bị đột quỵ được xuất viện thì phải dự phòng cấp 2, sử dụng thuốc và các biện pháp kiểm soát những yếu tố nguy cơ đều đặn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã không theo chỉ định của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc và đã bị đột quỵ lần 2 với mức độ nặng tăng lên. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ lần 2 đến khoa Cấp cứu trong tình trạng nặng và khó có cơ hội phục hồi hoàn toàn.
Không chỉ đối với bệnh đột quỵ, bác sĩ Nguyễn Trung Anh đưa ra lưu ý, ở người cao tuổi biểu hiện bệnh thường dễ bị nhầm lẫn, khó nhận diện nên nhiều gia đình và ngay cả bệnh nhân thường chủ quan, bỏ qua triệu chứng nhẹ. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân cao tuổi nhập viện khi bệnh đã tiến triển nặng, cộng thêm bệnh mạn tính ở tuổi già rất nguy hiểm. Điều đáng nói là nhiều người khi thấy cơ thể mệt mỏi đã tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh. Dùng kháng sinh không đúng chỉ định không những không khỏi bệnh mà còn gây hại cho sức khỏe.
Cách phòng bệnh mùa nắng nóng
Để phòng bệnh mùa nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Xuân Tú khuyến cáo, người già cần phải uống đủ nước (1,5 - 2 lít nước/ngày) và không nên chờ khi có cảm giác khát mới uống, bổ sung thêm nước hoa quả và tuyệt đối không uống nước có gas, có cồn. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống của người cao tuổi cần bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, các loại rau tươi, trái cây để tăng sức đề kháng. Người già cần tránh ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h, là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Tốt nhất nên bật điều hòa ở mức từ 25 đến 27oC (không nên chênh lệch quá 7oC so với nhiệt độ ngoài trời). Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi. Với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Anh, khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, người cao tuổi cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, tránh tự ý sử dụng thuốc tùy tiện. Riêng với bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp, để phòng bệnh, người cao tuổi không nên dùng thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh, thức ăn tái, rau sống rửa không kỹ, uống nước ở các quán vỉa hè... Đặc biệt là vào những ngày nắng nóng, người cao tuổi phải chú ý mặc quần áo thoáng mát, không ăn đồ quá lạnh, đồ khó tiêu; ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước... Khi ra ngoài trời nắng cần có quần áo, mũ, khẩu trang... che nắng bảo vệ cơ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.