Cường độ các đợt nóng trong mùa hè năm 2012 sẽ không gay gắt và phạm vi ảnh hưởng không rộng khắp như những mùa hè trước. Tuy nhiên, bão sẽ xuất hiện sớm và nhiều hơn mọi năm.
Về số lượng các đợt nắng nóng trong mùa hè 2012, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Lê Thanh Hải nhận định, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ vẫn có khả năng xảy ra một số đợt nắng nóng. Tuy nhiên, cường độ đợt nóng chỉ ở mức trung bình chứ không quá gay gắt. Cùng đó, thời gian diễn ra nắng nóng cũng như phạm vi ảnh hưởng cũng không kéo dài và rộng khắp như đã từng xảy ra vào những mùa hè năm trước.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Lê Thanh Hải. |
Về nền nhiệt, Bắc Bộ nói chung và Hà Nội nói riêng ít có khả năng xảy những đợt nắng nóng kỷ lục lên tới 42-430C như hè năm 2010. Dự báo, trên phạm vi cả nước, nền nhiệt độ toàn mùa phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm, riêng khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế các tháng nửa đầu mùa hè có nền nhiệt độ thấp hơn so trung bình nhiều năm.
Nguyên nhân là do hiện tượng LaNina có quy mô ảnh hưởng trên toàn cầu, thường kết thúc vào mùa hè (khoảng tháng 5) và tạo ra các điều kiện thời tiết ôn hoà cho đến cuối mùa thu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia khí tượng, mùa mưa bão năm lại khá bất thường và xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng ngại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan dễ nhận thấy là thời điểm không phải mùa mưa sẽ xảy ra mưa nhiều, các cơn bão mạnh hơn và mùa mưa bão kết thúc muộn hơn mọi năm.
Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện sớm hơn so với quy luật hàng năm (bình thường vào khoảng vào giữa tháng 5) và có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, hiện tượng chưa từng xảy ra là cuối tháng 3 đã có bão đổ bộ vào miền Đông Nam Bộ.
Dự báo cho thấy số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam có khả năng từ 6 - 7 cơn (cao hơn so với trung bình nhiều năm) và nhiều hơn so với năm 2011.
Trong khi đó, ngay từ đầu năm, mưa trái mùa diễn ra nhiều ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Ông Lê Thanh Hải cho rằng, biến đổi khí hậu đang gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu, vì vậy các kinh nghiệm dân gian đúc kết khi xem trời, xem mây không còn chính xác. Cần theo dõi chặt chẽ các thông tin thời tiết, cảnh báo sớm, chủ động đề phòng bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên.
Cơ quan khí tượng cũng đưa ra tính toán, năm nay lũ trên các sông miền Bắc cũng đến sớm hơn so với mọi năm. Cụ thể, lũ tiểu mãn năm 2012 trên các sông ở Bắc Bộ có khả năng ở mức lớn hơn so với trung bình nhiều năm và xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm (ngày 20-22/5).
Đỉnh lũ cao nhất năm 2012 trên các sông chính ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm (giữa tháng 7 đến đầu tháng 8) và cao hơn đỉnh lũ năm 2011. Dự báo, trên các sông thuộc hệ thống sông Hồng có khả năng trên mức báo động (BĐ) 1 và dưới mức BĐ2; trên hệ thống sông Thái Bình ở mức từ BĐ1 đến BĐ2, trên các sông ở Thanh Hóa có khả năng ở mức BĐ1 - BĐ2; các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có khả năng ở mức BĐ2 - BĐ3, có nơi trên BĐ3 và cao hơn trung bình nhiều năm; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận có khả năng ở mức BĐ3, có nơi trên BĐ3. Cần đề phòng khả năng xuất hiện lũ lớn, cục bộ trên một số sông suối.
Đỉnh lũ Dự báo trên sông Cửu Long có khả năng xuất hiện lũ khá cao với đỉnh lũ ở vùng đầu nguồn ở mức BĐ3, cao hơn trung bình nhiều năm và có khả năng thấp hơn năm 2011.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.