(HNMCT) - Không hẹn mà gặp, một loạt dự án nghệ thuật sân khấu về Truyện Kiều đã được giới thiệu đến công chúng Thủ đô trong năm qua. Người xem có thể thấy một chuyến du hành của Truyện Kiều, từ nguyên bản kiệt tác đã nằm trong trái tim hàng triệu độc giả, qua bao thế hệ đến những bản dựng của các đạo diễn nước ngoài với nhiều màu sắc hiện đại, vô cùng mới lạ. Đó cũng là một minh chứng cho sự bất tử của Truyện Kiều - kiệt tác của nhân loại.
Chạm vào Việt Nam
Sau khi ra mắt công chúng Pháp vào năm 2017 với 5 đêm diễn được giới phê bình và khán giả không ngớt ca ngợi, tháng 9-2019, đạo diễn Christophe Thiry đã đưa vở nhạc kịch Kim Vân Kiều đến với sân khấu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi nơi chỉ có một đêm diễn duy nhất và không ngạc nhiên khi khán phòng chẳng còn một chỗ trống. Với người Việt, Truyện Kiều của Nguyễn Du là kiệt tác, là di sản, là niềm tự hào về văn chương Việt và chúng ta cũng thật sự tò mò muốn biết thế giới cảm nhận về nó như thế nào.
“Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phán lên đàng…” - nghe Guillaume Francsois cất tiếng ca Dạ cổ hoài lang trong không gian sân khấu Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội - L’Espace hồi tháng 9, bất giác chúng tôi như thấy một luồng điện chạy qua người. Guillaume Francsois là giọng nam cao nổi tiếng của Nhà hát nhạc kịch Strasbourg (Pháp), từng trình diễn tại nhiều nhà hát lừng danh của thế giới. Khi ấy, anh ngồi giữa những người bạn diễn, cạnh anh là nghệ sĩ Mai Thanh Sơn chơi đàn nguyệt, hát Dạ cổ hoài lang để nói thay tâm trạng nhớ nhung của nàng Kiều khi Từ Hải ra trận. Sân khấu không phông màn trang trí chỉ có các nhạc cụ gồm piano, vĩ cầm, trống, sáo... “Chất” Việt về mặt hình thức như người ta thường nghĩ tới, chẳng hạn từ trang phục, bài trí... gần như không có, nhưng chỉ một màn ấy thôi, người xem đã đủ cảm nhận về hồn Việt trong vở diễn. Xem cảnh này, ta cũng như hiểu hơn tâm sự của đạo diễn Christophe Thiry khi ông chia sẻ rằng khán giả Paris cảm thấy họ đã chạm được vào văn hóa Việt sau khi xem nhạc kịch Kim Vân Kiều.
Ngồi cạnh tôi là một khán giả Pháp, ông tỏ ra vô cùng ấn tượng và thích thú với những triết lý phương Đông mà Nguyễn Du gửi gắm trong tác phẩm, chẳng hạn như những câu thơ: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” hay “Rằng: Tôi chút dạ đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình...”. Christophe Thiry đã chứng tỏ mình là một đạo diễn tài năng khi đưa một tác phẩm truyện thơ Việt từ thế kỷ XIX lên sân khấu một cách hóm hỉnh, lãng mạn và sâu sắc đến như thế. Nhưng khi được hỏi, đạo diễn 53 tuổi nổi danh người Pháp này lại cho rằng, ông chỉ cố gắng để đưa được những giá trị của tác phẩm Nguyễn Du lên sân khấu.
Ngọc đá vàng thau
Truyện Kiều cực kỳ quen thuộc với người Việt Nam, tuy nhiên nó lại là một tác phẩm văn chương bác học kinh điển với hàm lượng điển cố, điển tích, triết học... rất cao. Đạo diễn Christophe Thiry thừa nhận khi tiếp xúc với Truyện Kiều lần đầu qua bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Viện, ông đã bị “sốc” văn hóa, có quá nhiều những tình huống trong Truyện Kiều mà những người phương Tây duy lý không lý giải nổi, chẳng hạn như vì sao Kiều phải bán mình chuộc cha, hay vì sao Kiều phải nhờ Vân nối duyên với Kim Trọng... Không chỉ đạo diễn, mà cả những diễn viên cũng có chung cảm nhận ấy.
Pascal Durozier, người đóng vai Tú Bà, chia sẻ rằng trong quá trình tập vở, cả ê kíp đã phải điều chỉnh để có thể có một câu chuyện sáng rõ với tất cả mọi người. Và một câu chuyện có tính phổ quát hơn đã được kết nối trên sân khấu với đoạn mở đầu là cảnh ở đâu đó, một quân nhân cưỡng bức một phụ nữ trẻ và cô ấy thét lên trong đau khổ; rồi Truyện Kiều mở ra, và kết thúc là cuộc đời của một nàng Kiều người Mỹ, người phải chịu đựng những đòi hỏi của “giấc mơ Mỹ”, vì đứa con trai tàn tật. Ở bất kỳ đâu trên thế giới, trong bất kỳ thời gian nào cũng có những cảnh đời, số phận, những tâm hồn đẹp thiện lương như Kiều bị xô đẩy, lừa gạt, vùi dập... nhưng cuối cùng “Trời xanh” cũng sẽ giải thoát cho họ. Christophe Thiry đã chứng minh cho người xem thấy điều mà ông cảm nhận sâu sắc nhất, rằng: Truyện Kiều là một câu chuyện có tính biểu tượng, một cánh cửa để mở ra nền văn hóa khác.
Góc nhìn của đạo diễn Christophe Thiry có gì đó gần gũi với nữ nghệ sĩ điêu khắc người Đức Franca Bartholomai. Khi xem triển lãm tranh Nàng K… của cô ở không gian Viện Goethe Hà Nội hẳn công chúng Việt cũng có chút ngạc nhiên khi nàng Kiều đã không còn như mường tượng lâu nay của họ, nàng giờ đây mang khuôn mặt của người phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới.
Còn nữ đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer lại giải mã Truyện Kiều bằng chính góc nhìn của những người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Chị chia sẻ: “Lần đầu đọc Truyện Kiều cách đây 2 năm, tôi đã bị hấp dẫn bởi chất thơ của Truyện Kiều và rung động trước câu chuyện đoạn trường. Nhưng tôi cũng tự đặt câu hỏi liệu câu chuyện của nàng có còn phản ánh được hiện thực đương đại? Ở Đức tôi thường dựng những vở kịch viết từ thế kỷ XIX, một trong những thách thức khi dựng những tác phẩm kinh điển là đôi khi những nhân vật nữ không còn hợp thời nữa. Chính vì vậy khi dựng Truyện Kiều, tôi đã phỏng vấn các diễn viên của mình - những cô gái Việt Nam hiện đại - xem họ nghĩ gì về Kiều, họ thích chủ đề nào, nhân vật nào, những gì trong đó theo họ là đã lỗi thời và lấy điều đó làm cơ sở để dựng Truyện Kiều”. Và dù chỉ là một trích đoạn ngắn trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ vào tháng 10 vừa qua, nhưng Amélie Niermeyer đã để lại trong khán giả những câu hỏi lớn về nữ quyền, về thông điệp có tính vĩnh cửu của Truyện Kiều: Đó là sự đòi hỏi được yêu thương, trân trọng thật lòng mà người phụ nữ dù ở thời đại nào cũng luôn mong mỏi.
Làm mới một kiệt tác
Không chỉ các đạo diễn nước ngoài mới hiểu Kiều, dựng Kiều bằng một tâm thế mới lạ. Các đạo diễn Việt Nam cũng đang “đọc” Kiều theo một cách rất riêng. Trong Dự án Nàng K... do Viện Goethe khởi xướng, công chúng được thưởng thức những bản dựng Kiều hết sức độc đáo. Có thể kể đến trích đoạn được thực hiện theo phong cách ước lệ biểu hiện thú vị do nhóm Lực Team của đạo diễn, NSƯT Trần Lực dàn dựng, sử dụng nhiều ngôn ngữ hình thể của các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo. Hay một trích đoạn rất hiện đại mà thoạt xem “chẳng dính chút Kiều” nào của đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai nhưng vẫn toát lên được tinh thần chống lại định kiến, bạo lực rất rõ của Truyện Kiều...
Gần đây nhất, vở rối Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng đã chinh phục được đông đảo công chúng và cả giới chuyên môn khi thắng lớn tại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10 vừa qua. Vở diễn đã cho thấy những thử nghiệm nghệ thuật thành công của đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng khi kể Truyện Kiều bằng những khuôn mặt rối.
Việc làm mới một kiệt tác, đặc biệt là những kiệt tác từ nền văn hóa khác luôn là thách thức với bất kỳ nghệ sĩ, loại hình nghệ thuật nào. Nhưng rõ ràng, sức hấp dẫn của Truyện Kiều đã làm lu mờ đi những trở ngại đó. Nàng Kiều đa quốc tịch, nàng Kiều đối thoại với đương đại và nàng Kiều hiện đại - chính là những cách “đọc” mới mà nghệ sĩ hôm nay dành tặng khán giả, cũng như để minh chứng cho sức sống của kiệt tác văn chương Việt của đại thi hào Nguyễn Du.
Ông Wilfried Eckstein, Giám đốc Viện Goethe tại Hà Nội:
“Có hàng nghìn cuốn sách viết về lịch sử, chính trị, văn hóa, tôn giáo... của Việt Nam và chúng đều rất hữu ích. Tuy nhiên, để có thể lắng nghe được một âm hưởng chung của tất cả người Việt từ truyền thống tới hiện đại, từ bình dân tới giới tinh hoa thì tôi nghĩ đó phải là Truyện Kiều. Truyện Kiều được coi là kiệt tác quan trọng nhất của văn học Việt Nam. Chất thơ, vẻ đẹp ngôn ngữ và vô số những tình huống cuộc đời tột cùng cũng như những hy vọng trong câu chuyện, cuộc giải cứu kỳ diệu của Kiều và sự hoàn trả phẩm giá đã tạo thành một phần không thể thay thế trong di sản văn hóa Việt Nam".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.