Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nặng gánh vì bia, rượu

Quốc Bảo| 01/10/2016 08:02

(HNM) - Bộ Y tế vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, nam giới Việt Nam đang nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về khả năng uống bia, rượu. Nếu tiếp diễn tình trạng lạm dụng chất cồn tràn lan như hiện nay, trong tương lai không xa, Việt Nam có nguy cơ trở thành “quốc gia say xỉn” và nặng gánh bệnh tật.


Tràn lan quán nhậu

Bác sĩ Lý Trần Tình - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội chia sẻ, có du khách nước ngoài sang Việt Nam đã kinh ngạc thốt lên: “Ở Hà Nội tìm nhà vệ sinh công cộng hay thư viện rất khó, nhưng quán nhậu lại mọc đầy đường”. Đây là một thực tế đáng buồn bởi tình trạng quán nhậu mọc nhan nhản khắp nơi trên mọi tuyến đường, ngõ phố ở Hà Nội.


Các quán nhậu mọc lên ở khắp nơi tại Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn


Theo nghiên cứu do Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thực hiện gần đây trên 15.000 người, hầu hết nam giới đều có uống rượu, tỷ lệ nghiện bia, rượu lên tới 4%, đặc biệt 62% người uống bia, rượu đã có thâm niên sử dụng trên 20 năm. Còn theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) năm 2015, 77,3% nam giới trưởng thành (18-69 tuổi) hiện sử dụng rượu bia, cao hơn so với mặt bằng chung của toàn cầu (47,7%) và của các khu vực (Châu Phi - 40,2%, Châu Mỹ - 70,7%, Châu Âu - 74,4%, Tây Thái Bình Dương - 58,9%, Địa Trung Hải - 7,4%). Tỷ lệ sử dụng rượu, bia gia tăng ở cả nam và nữ từ 2010-2015. Ngoài ra, gần một nửa nam giới (44,2%) sử dụng rượu, bia ở mức có hại - mức tăng gần gấp đôi so với năm 2010 (25,1%). Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới (Châu Âu cao nhất cũng chỉ 24% nam giới uống rượu ở mức nguy hại). Đáng lo ngại, nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng cũng chỉ ra rằng, lứa tuổi sử dụng rượu, bia đang ngày càng "trẻ hóa". Theo đó, 43% học sinh uống cốc bia đầu tiên trước tuổi 14 và 22,5% học sinh từng uống rượu say ít nhất một lần.

Chính vì tần suất sử dụng rượu, bia cao nên không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam đứng thứ nhì Đông Nam Á, thứ 10 Châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu.

Nguyên nhân của 200 loại bệnh

Theo ông Trần Quốc Bảo - Cục phó Cục Y tế dự phòng, rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của 30 bệnh hiểm nghèo: Rối loạn tâm thần, ung thư, tim mạch, đái tháo đường, các bệnh tiêu hóa, gây tai nạn hoặc bị tai nạn chấn thương, gây nhiễm độc bào thai... Đồng thời, những người uống rượu trước 15 tuổi có nguy cơ bệnh tật và rối loạn hành vi cao hơn người đến 21 tuổi mới uống rượu, bia như: Khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần và khả năng tham gia bạo lực thể chất sau khi uống cao gấp 6 lần; khả năng tai nạn xe cộ do uống rượu, bia cao gấp hơn 6 lần; khả năng bị chấn thương do uống gấp gần 5 lần.

Bác sĩ Lý Trần Tình cũng cảnh báo, tình trạng lạm dụng bia, rượu cũng là nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam là 1 trong 4 nước có tầm vóc thấp còi nhất thế giới. “Cha uống rượu thì không chỉ bản thân mà con họ cũng sẽ gánh chịu hậu quả” - bác sĩ Tình cho biết. Ngoài các bệnh tiêu hóa, tim mạch, rượu bia còn tác động ghê gớm về mặt tâm thần với khoảng 77,5% bị rối loạn giấc ngủ, gần 45% rối loạn trí nhớ, gần 30% trầm cảm. Đáng lưu ý có tới 13% bị ảo giác, 7% bị hoang tưởng. Đây chính là lý do khiến các ca tâm thần do rượu phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong 10 năm qua đã tăng từ 30 đến 40 ca lên đến 500 ca/năm. “Đáng tiếc có cả bệnh nhân chỉ 15-16 tuổi. Các em nhập viện trong tình trạng co giật, lú lẫn, sùi bọt mép hoặc hôn mê sau khi uống một lượng bia, rượu lớn. Có cháu được bố mẹ thích thú cho uống bia, rượu từ lúc 5-6 tuổi, đến khi 15 tuổi thì nghiện rượu đến mức rối loạn tâm thần” - bác sĩ Tình kể.

Không những thế, rượu bia cũng là chất xúc tác dẫn đến nhiều loại ung thư nguy hiểm ở nam giới như: Ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. “Càng uống nhiều, uống lâu thì nguy cơ ung thư càng tăng. Sự phát triển ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2 đến 15 năm, thậm chí ngay cả sau khi đã cai rượu” - ông Bảo khẳng định. Số liệu của Bệnh viện K trung ương cho thấy, các bệnh ung thư ở nam giới có một phần nguyên nhân do rượu, bia ngày càng gia tăng. Nếu năm 2010, ung thư dạ dày ở nam giới có gần 10.400 ca mắc mới thì dự tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 11.500 ca; tương tự ung thư gan tăng từ 9.400 ca lên 11.000 ca mắc mới; ung thư đại tràng từ 7.600 ca lên 13.400 ca; ung thư thực quản từ 3.900 ca tăng vọt lên 11.000 ca…

Nếu tình trạng đa số nam giới Việt Nam tiếp tục duy trì lối sống “sáng ngâm bia, chiều ngâm rượu” thì không chỉ kéo lùi sự phát triển của xã hội, gia tăng tỷ lệ đói nghèo, mà tình trạng bệnh tật, khuyết tật do tai nạn giao thông... cũng gia tăng, tỷ lệ thuận với tốc độ gia tăng của việc sử dụng rượu, bia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nặng gánh vì bia, rượu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.