Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năng động, sáng tạo xây dựng địa phương

Nguyệt Ánh| 10/03/2022 21:49

(HNMO) - Đại hội đại biểu phụ nữ lần thứ XIII với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển. Vinh dự là những đại biểu dự Đại hội, ngày 10-3, các đại biểu đã có tham luận nêu bật vai trò kết nối của các tầng lớp phụ nữ trong sáng tạo thi đua, trong các chương trình an sinh xã hội; khẳng định vị trí trong xã hội, đóng góp tích cực cho địa phương.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh:
“Phụ nữ Hà Nội góp phần xây dựng thành phố hòa bình - thành phố sáng tạo”

Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, nét đảm đang, tài hoa, thanh lịch của phụ nữ Hà Nội, các tầng lớp phụ nữ Thủ đô đã năng động, sáng tạo, đóng góp tích cực vào xây dựng thành phố.

Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Thủ đô không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể, khẳng định vai trò nòng cốt, dẫn dắt phong trào phụ nữ thành phố. Hàng nghìn sáng kiến, mô hình, việc làm thiết thực, nhân văn đã được triển khai, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thủ đô xanh, an toàn, thân thiện như: Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”; “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang”; lễ hội áo dài hương sắc Tràng An; đoạn đường, tuyến phố phụ nữ tự quản xanh, sạch, đẹp, nở hoa, sân chơi an toàn; “Gia đình tình nguyện, cộng đồng tình nguyện”. Đồng thời, sáng tạo tham gia phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội với các chương trình “Đồng hành cùng con”, “Tuần lễ vàng tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Đề án hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp”, Ngày hội sáng tạo phụ nữ Thủ đô; quản lý gần 7.000 tỷ đồng giúp hội viên phát triển kinh tế.

Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Thủ đô cũng là lực lượng đi đầu trong các chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Bếp ăn ấm tình vượt qua đại dịch”, “Đi chợ giúp dân”, “Gian hàng 0 đồng”…

Trong giai đoạn phát triển mới, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Thủ đô nỗ lực quyết tâm cao, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền; giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến anh hùng, thành phố Vì hòa bình.

Đặc biệt, các cấp Hội chủ động phát hiện và tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ; vận động phụ nữ và nhân dân tích cực bảo vệ môi trường; xây dựng môi trường sống an toàn; phòng ngừa, ngăn chặn các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lôi kéo phụ nữ tham gia các hoạt động trái pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; quan tâm hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số...

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa Ngô Thị Hồng Hảo:
“Sáng tạo, đón đầu, góp phần tạo ra nhiều giá trị mới cho phụ nữ”

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã chủ động thay đổi tư duy, đổi mới công tác lãnh đạo với bứt phá sáng tạo và bám sát trục xoay chính, đó là Chiến lược phát triển tổ chức Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực tiễn yêu cầu, điều kiện, nguyện vọng chính đáng của từng nhóm đối tượng để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động.

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hệ thống Hội trong tỉnh đã tổ chức vận động, tập hợp, phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của phụ nữ, tạo sự đột phá trong công tác Hội và phong trào phụ nữ thông qua việc xây dựng các mô hình điểm phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, mang tính đột phá; tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực như: 1.255 “Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm”, 697 “Làng quê, khu dân cư an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, 2.270 mô hình “Nhà sạch - vườn mẫu”, “Nhà sạch - vườn đẹp”, “Biến rác thành tiền”...

Trong 5 năm, toàn tỉnh xây dựng được 177 mô hình kinh tế, trong đó có 65 hợp tác xã, giúp 15.075 hộ thoát nghèo. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao, được hội viên tin tưởng, từ đó thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia, gắn bó với tổ chức Hội, góp phần tăng tỷ lệ hội viên theo từng năm và hiện đạt 82%.

Thành quả trên là kết quả của sự đoàn kết, đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với những khó khăn, thách thức của mỗi cán bộ Hội, trong đó, người lãnh đạo có vai trò then chốt; luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, định hướng của Trung ương Hội và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ, đặc biệt là huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống, sự đồng lòng của hội viên, phụ nữ trong triển khai các chương trình, hoạt động…

Đại biểu Đinh Thị Ẽm, dân tộc BaNa, Chi hội trưởng phụ nữ làng Jun, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai:
Vận động phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng làng dân tộc thiểu số kiểu mẫu

Là người con sinh ra và lớn lên tại làng Jun, một trong sáu làng đặc biệt khó khăn của xã, tôi hiểu rõ sự vất vả, thiếu thốn cũng như mong muốn của chị em. Năm 2006, được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng, tôi nhận thấy mình phải làm được điều gì đó cho chị em, cho dân làng, góp phần thay đổi những thói quen, tập tục lạc hậu, góp phần tạo nên nếp sống văn hóa mới.

Trước tiên, tôi tập trung phát triển kinh tế gia đình. Trên diện tích 2ha trồng lúa rẫy, gia đình mạnh dạn xen canh rau, mía, ớt, khoai mì và nuôi cả bò. Từ không đủ ăn, thu nhập của gia đình tôi đã tăng đáng kể, mỗi năm trừ chi phí còn để ra được hơn 20 triệu đồng. Từ đó, bà con bắt đầu làm theo. Song song với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, tôi nhận thấy cần phải giúp chị em cách quản lý chi tiêu, đặc biệt là tiết kiệm vì phụ nữ dân tộc chúng tôi hầu như không có thói quen này.

Với sự hướng dẫn của Hội Liên hiệp phụ nữ xã, tôi thành lập Câu lạc bộ “Nhóm phụ nữ tiết kiệm” với số tiền nhỏ, góp dần theo tháng để đạt mục tiêu 5 triệu đồng/người/tháng. Ban đầu có 10 chị tham gia, đến nay câu lạc bộ đã có 50 thành viên với số dư tiền tiết kiệm hơn 350 triệu đồng được gửi tại Ngân hàng chính sách xã hội.

Xây nhà vệ sinh là một vấn đề tôi trăn trở từ lâu, bởi thói quen lâu đời của bà con là không sử dụng nhà vệ sinh. Tôi đi vận động từng nhà về lợi ích của nhà tiêu hợp vệ sinh quan trọng hơn là mua sắm trang thiết bị điện tử hiện đại chưa cần thiết. Cứ mưa dầm thấm lâu, đến nay, 100% số hộ đã có nhà vệ sinh, trong đó, trên 78% số hộ xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh kiên cố, trên 20% hộ sử dụng nhà vệ sinh xa nhà ở.

Khi cấp trên triển khai mô hình: “Con đường hoa, hàng rào xanh”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tôi đã lấy giống cây, hoa về gieo trồng thành hàng rào trước nhà. Nhờ công chăm bón, không lâu sau, gia đình tôi đã có hàng rào xanh đẹp mắt. Thấy quang cảnh đẹp, tất cả các hộ đều trồng hoa, làm hàng rào xanh trước cổng nhà.

Năm 2016, làng Jun được công nhận là “Làng phụ nữ kiểu mẫu”, là động lực để cá nhân tôi cũng như toàn thể hội viên, phụ nữ trong làng tiếp tục phấn đấu. Đến hết năm 2021, cả làng chỉ còn 8 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, giảm so với đầu nhiệm kỳ là 12 hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năng động, sáng tạo xây dựng địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.