(HNM) - Trước yêu cầu đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố Hà Nội thời gian qua đã chú trọng lựa chọn lĩnh vực, đổi mới quy trình, phương thức giám sát, phản biện xã hội nên hiệu quả mang lại rất thiết thực. Phát huy tinh thần đó, Mặt trận các cấp xác định sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với cấp ủy, chính quyền đồng cấp để đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Tạo đồng thuận xã hội
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thắm cho biết, thông qua hoạt động giám sát, phản biện, nhiều ý kiến, kiến nghị của Mặt trận các cấp đã được các cơ quan, đơn vị tiếp thu. Điển hình là nhờ giám sát tốt việc thực hiện Quy chế dân chủ ở các xã, thị trấn nên chính quyền cơ sở đều công khai các danh mục thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa”; công tác tiếp dân tại trụ sở được thực hiện nghiêm túc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được giải quyết nhanh, không để tồn đọng kéo dài hoặc vượt cấp.
Bà Lê Thị Hạnh, thị trấn Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) chia sẻ: "Với sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nên khi đến giải quyết các công việc tại thị trấn chúng tôi đều nhận được thái độ ứng xử của cán bộ, công chức rất văn minh, hồ sơ giải quyết nhanh, gọn".
Trong 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Chương Mỹ và các xã, thị trấn đã tổ chức 330 cuộc giám sát độc lập, 400 cuộc phối hợp giám sát với HĐND, các ban, ngành, đoàn thể huyện; tổ chức 132 hội nghị phản biện xã hội. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Chương Mỹ Vũ Xuân Hùng khẳng định, hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia xây dựng các chủ trương, quyết sách, các đề án có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các tầng lớp nhân dân.
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, từ năm 2013 đến nay, từ thành phố đến cơ sở đã chủ trì tổ chức 6.326 đoàn giám sát, với 2.594 hội nghị phản biện xã hội, trong đó, thành phố tổ chức 19 hội nghị, cấp huyện 204 hội nghị và cấp xã 2.371 hội nghị. Riêng trong năm 2019, các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức 4.017 cuộc giám sát đối với các công trình, dự án triển khai trên địa bàn các xã, phường, thị trấn; đề nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 58 triệu đồng và 5.699m2 đất.
Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Quỳnh chia sẻ: “Thông qua giám sát và phản biện xã hội, nhiều ý kiến, kiến nghị của Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã được các cơ quan tiếp thu, giải trình, là kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong lãnh đạo, quản lý, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.
Rõ vai trò, trách nhiệm
Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội đặt ra yêu cầu cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ngày càng nặng nề hơn. Để nâng cao hơn nữa hoạt động này, theo Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa - xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố) Phạm Lợi: “Phải nâng cao nhận thức của cán bộ Mặt trận các cấp. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cần tăng cường phối hợp với Thường trực HĐND, UBND thành phố, các tổ chức thành viên xác định trúng, đúng vấn đề cần giám sát, phản biện”.
Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố) Đinh Hạnh cho rằng: “Mặt trận phải sớm hoàn thiện các quy trình như khảo sát tại cơ sở, lấy ý kiến quần chúng, chuyên gia… và thay đổi cách thức tổ chức hội nghị góp ý. Cần chọn cán bộ trẻ, giỏi chuyên môn tham gia Hội đồng Tư vấn, bởi hiện nay hầu hết các thành viên Hội đồng Tư vấn là cán bộ hưu trí, tuy có kinh nghiệm nhưng lại hạn chế về sức khỏe”.
Với kinh nghiệm hoạt động của mình, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất) Phùng Văn Thành kiến nghị: “Mặt trận cần chọn nội dung giám sát và phản biện có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào những việc cấp bách, bức xúc của thành phố mà lãnh đạo và quần chúng đang quan tâm”.
Với mong muốn để hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở cấp xã đạt kết quả cao, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Sóc Sơn Trương Văn Nhung nêu ý kiến: “Cán bộ Mặt trận cấp xã thường trưởng thành từ các khu dân cư, chưa được đào tạo cơ bản nên hoạt động gặp khó khăn. Vì vậy, cần tăng cường công tác tập huấn, đào tạo chuyên môn cho cán bộ cấp xã, hướng dẫn sát hơn nữa về hoạt động giám sát”.
Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng quy chế, tổ chức các hoạt động giám sát và phản biện. Để những việc này đạt chất lượng hơn nữa trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân, yếu tố quan trọng là sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa cấp ủy, chính quyền với Mặt trận đồng cấp. Thời gian tới, Mặt trận các cấp sẽ tích cực đổi mới quy trình thực hiện phản biện xã hội, nâng cao năng lực giám sát cũng như công tác chuẩn bị để các cuộc giám sát, phản biện đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ sát sao hơn trong việc giải quyết các ý kiến sau phản biện, nâng cao năng lực tổng hợp, kiến nghị và phản hồi kết quả sau giám sát…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.