(HNM) - Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chương trình, nhiều sở, ngành, đơn vị của TP Hà Nội đồng tình quan điểm, cần quan tâm chăm lo, nâng cao hơn nữa vị thế của phụ nữ.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, thời gian qua, thành phố có nhiều cố gắng trong xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được cụ thể hóa trong Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, qua đó nhận thức và trách nhiệm của các cấp lãnh đạo về công tác này được nâng lên rõ rệt. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ và hoạt động của tổ chức hội phụ nữ.
Đào tạo nghề giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững. |
Bên cạnh những thành tựu vẫn còn một số chỉ tiêu gặp khó khăn. Nguyên nhân là các chỉ tiêu trong Chiến lược thuộc lĩnh vực, chuyên môn của nhiều ngành khác nhau, nhưng chưa có cơ chế phối hợp thực hiện đồng bộ; một số cấp ủy đảng, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác này nên chưa đạt kết quả mong muốn. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, công tác phối hợp triển khai phổ biến giáo dục pháp luật để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu giới vào chương trình, kế hoạch công tác của ngành, địa phương, đơn vị chưa được chú trọng. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới các cấp đang là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, lại thường xuyên biến động (nhất là cấp xã, phường, thị trấn) cũng ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện Chương trình.
Mục tiêu "Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm…", dù có 42% lao động nữ trên tổng số gần 700.000 người tìm việc làm qua sàn giao dịch, nhưng số lao động nữ ở vùng nông thôn bị thu hồi đất rất thấp. Đặc biệt, mục tiêu "bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe" khó thực hiện, bởi vẫn còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ; một số cơ sở y tế chưa nghiêm túc, vẫn thông báo giới tính qua siêu âm. Cùng với đó, tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành viên vẫn tăng; bạo lực gia đình vẫn tiếp diễn… gây sức ép đối với cuộc sống của phụ nữ.
Phó Chủ tịch Công đoàn ngành y tế Hà Nội Hoàng Thúy Hải cho biết, cơ cấu giới tính khi sinh ước thực hiện năm 2015 là 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái do vẫn còn tư tưởng "trọng nam, khinh nữ". Nguyên nhân một phần do tình trạng bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa thông báo giới tính thai nhi khi khám thai, trong khi ngành Y tế chưa có chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe. Để thực hiện mục tiêu "Không vượt quá 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái", trong thời gian tới các địa phương cần nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá thực trạng công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; đồng thời quản lý tốt các cơ sở y tế tư nhân, tránh tình trạng thông báo giới tính dễ dãi như hiện nay.
Ở một khía cạnh khác, theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Oai Nguyễn Văn Cần, ở địa phương vẫn còn không ít phụ nữ tự ti, còn biểu hiện tư tưởng hẹp hòi, níu kéo nhau khi giới thiệu vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; công tác giải quyết việc làm vẫn chưa hiệu quả thực sự; tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" vẫn lộ rõ trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở nhận thức chưa đầy đủ về chức năng hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và nhiệm vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Một số cơ sở coi công tác này là của phụ nữ và giao khoán cho Hội LHPN và cán bộ LĐ-TB&XH. Ông Nguyễn Văn Cần cho rằng, để đạt được bình đẳng giới thực sự giữa nam và nữ trong giai đoạn hiện nay, rất cần sự lãnh đạo sát sao của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội các cấp. Trong đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giới thiệu việc cho phụ nữ vùng thu hồi đất thực hiện các dự án; quan tâm bố trí cán bộ nữ tham gia các chức danh cán bộ chủ chốt. Qua đó tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho phụ nữ nâng cao vị thế, vai trò của mình trên các lĩnh vực, nhất là chính trị, kinh tế.
Bên cạnh sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành chức năng trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới thì rất cần quyết tâm vươn lên của cá nhân từng cán bộ, hội viên nữ. Đây là nhân tố quyết định tạo sự tiến bộ bền vững.
Giai đoạn 2011-2015, TP Hà Nội có hơn 600.000 lao động nữ được tư vấn, hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm; thành lập 1.526 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, đã tư vấn, hỗ trợ 481 vụ việc bạo lực gia đình; thành lập 89 câu lạc bộ doanh nghiệp nữ cấp thành phố và quận, huyện, xã, phường với 3.056 hội viên. Các cấp Hội Phụ nữ hỗ trợ, giúp hơn 14.000 hộ hội viên thoát nghèo. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.