(HNMO) - Sáng 12-9, tại Hà Nội, buổi tọa đàm nhân dịp ra mắt bộ sách
Rất nhiều thông tin quý và đậm giá trị thực tiễn được trao đổi và chia sẻ, đặc biệt là vấn đề về yêu cầu và giải pháp trong việc dạy - học hoạt động trải nghiệm cho học sinh Việt Nam hiện nay.
Chương trình có sự góp mặt của PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp - Giảng viên cao cấp Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; thầy giáo Nguyễn Quốc Vương - Giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Lịch sử, Đại học Kanazawa (Nhật Bản), tác giả chủ biên bộ sách "Hoạt động trải nghiệm"; TS Nguyễn Ngọc Minh - Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sáng lập dự án phát triển văn hóa đọc "Sách ơi mở ra" và đông đảo giáo viên các trường phổ thông, các cán bộ làm trong ngành xuất bản và giáo dục...
Bộ sách "Hoạt động trải nghiệm" gồm 10 cuốn, giúp các em học sinh khám phá, cảm nhận những điều mới mẻ và thú vị trong cuộc sống xung quanh. Nội dung trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề, từng chủ đề được lựa chọn, thiết kế dựa trên nguyên tắc "vòng tròn đồng tâm khuếch tán" - mở rộng và nâng cao dần mức độ phức tạp, phù hợp với việc mở rộng mối quan tâm cũng như sự phát triển kinh nghiệm đời sống của học sinh xuất phát từ bản thân, đến gia đình, trường học, xã hội địa phương rồi mở rộng ra quy mô quốc gia. Nội dung mỗi chủ đề và cách thức tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm được biên soạn theo hướng mới, không chú trọng vào việc truyền đạt các tri thức khoa học một cách có hệ thống mà chủ yếu coi trọng kinh nghiệm đời sống của các em nhằm phát triển và mở rộng vốn sống. Trên cơ sở đó hình thành, phát triển ở học sinh các năng lực, phẩm chất có ích trong đời sống thường ngày.
Trao đổi với độc giả, thầy giáo Nguyễn Quốc Vương chia sẻ: Bộ sách cũng hướng dẫn cách đánh giá học sinh dựa trên hồ sơ học tập, quan sát và các sản phẩm do các em tạo ra trong quá trình trải nghiệm. Sách cũng nhấn mạnh việc quan sát và đánh giá sự tiến bộ của các em trong cuộc sống thường ngày dựa trên quan điểm cho rằng mục đích cuối cùng của các hoạt động trải nghiệm là giúp học sinh giải quyết được các vấn đề trong học tập, đời sống và ngày càng nâng cao chất lượng đời sống của bản thân.
Do đối tượng hướng tới là học sinh tiểu học nên bộ sách được thiết kế theo phong cách hiện đại với các tranh vẽ được lựa chọn có cân nhắc tới mối quan tâm, hứng thú của các em. Các tranh, ảnh có trong sách không chỉ đơn giản là hình minh họa mà còn là nguồn thông tin để học sinh khai thác, phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp nhấn mạnh: Mục đích cao cả của giáo dục là phải làm sao để mỗi học sinh phải trở nên thông minh và hạnh phúc. Thông qua giáo dục, phải phát hiện ra khả năng của trẻ ở từng lĩnh vực, giúp trẻ thể hiện năng lực của mình ở mọi nơi, mọi lúc. Hãy để hệ thống hoạt động trải nghiệm tạo thành một cuộc hành trình với những điều mới lạ và những kỷ niệm vui trên con đường học trò của các em, giúp các em phát triển tư duy, trở nên thông minh, hình thành các năng lực khác nhau trong thực tiễn cuộc sống, phát huy năng lực quan sát, óc tưởng tượng và sáng tạo của học sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.