Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao trải nghiệm dịch vụ viễn thông

Việt Nga| 07/01/2023 06:47

(HNM) - Để đối phó với những khó khăn của kinh tế toàn cầu năm 2023, các hãng phân tích thị trường cho rằng, các nhà mạng toàn cầu cần tập trung nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách hàng. Việc này cũng được một số nhà mạng trong nước coi là giải pháp tiên quyết để cạnh tranh ở thị trường dịch vụ viễn thông hiện nay.

Các nhà mạng đã mở rộng thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G tại nhiều tỉnh, thành phố.

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), để phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, trong thời gian qua, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã đầu tư lớn cho phát triển hạ tầng số, trong đó có phát triển mạng lưới (băng rộng cố định, di động). Nhờ vậy đã góp phần nâng cao tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 79,95 Mbps, tăng 29,6%, xếp thứ 45/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và cao hơn mặt bằng chung của thế giới là 71,39 Mbps; tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 39,48 Mbps, tăng 11,1%, xếp thứ 52/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới là 33,17 Mbps.

Cùng với đầu tư cho hạ tầng mạng lưới, để nâng cao trải nghiệm người dùng, từ năm 2022, Viettel là nhà mạng đầu tiên tắt trạm thu phát sóng (BTS) 3G tại 63 tỉnh, thành phố, giúp chuyển dịch, phát triển mới 5,5 triệu thuê bao 4G, nâng tỷ lệ thuê bao 4G đạt 75% toàn mạng.

Từ năm 2021 đến cuối năm 2022, VNPT đã tắt 2.000 trạm BTS 2G có thuê bao và lưu lượng thấp để tối ưu hiệu quả khai thác. Cùng với đó, triển khai hỗ trợ máy điện thoại thông minh (tại các huyện: Hóc Môn, Củ Chi của thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long) để chuyển đổi từ 2G sang 3G, 4G (đạt 1,9 triệu thuê bao).

Ngoài ra, căn cứ vào định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông với mục tiêu, hoàn thành việc dừng công nghệ 2G chậm nhất vào tháng 9-2024, căn cứ vào tình hình kinh doanh, mạng lưới, VNPT sẽ xây dựng lộ trình cụ thể thúc đẩy chuyển đổi thuê bao 2G sang 3G, 4G.

Về định hướng năm 2023, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Huỳnh Quang Liêm cho biết, nhằm bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, VNPT tiếp tục đầu tư bổ sung năng lực mạng lõi, đường trục để phục vụ khách hàng. Cùng với đó, VNPT tập trung phát triển tốt hơn hệ sinh thái sản phẩm cho hộ gia đình, khách hàng cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel Đào Xuân Vũ, Viettel đã đưa ra những chiến lược phù hợp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số và áp dụng công nghệ mới. Cụ thể, với Viettel trong nước, mạng 4G tiếp tục được đầu tư, triển khai mở rộng và trở thành mạng chủ đạo giai đoạn đến năm 2025 với các băng tần số sẽ được bổ sung và sắp xếp lại theo thứ tự.

Song song với quá trình tắt mạng 3G, từng bước tắt mạng 2G, thì mạng 5G dự kiến được triển khai với cấp độ 5.000 trạm BTS vào cuối năm, bảo đảm cùng với một mạng vô tuyến 4G làm chủ đạo và một mạng 5G bắt đầu mở rộng đại trà. “Hạ tầng viễn thông thụ động sẽ được rà soát, quy hoạch lại một cách tổng thể. Đây là cơ hội để Viettel tối ưu chi phí và nâng cao chất lượng”, ông Đào Xuân Vũ cho biết.

Chia sẻ về tương lai của internet trong những năm tới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, thế giới đang di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số mà internet là hạ tầng thiết yếu, quan trọng của nhân loại, thành tố quan trọng của chuyển đổi số. Nếu như trước đây, các nhà quản trị xã hội tìm cách quản lý internet thì hiện nay và giai đoạn tiếp theo, các nhà quản trị sẽ sử dụng internet để quản lý xã hội.

Thời gian qua, Việt Nam đã chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số - hạ tầng của mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp. Việt Nam cũng đã đề ra mục tiêu phát triển, đến năm 2025: Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến, dẫn đầu khu vực ASEAN; năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc để mọi người dân được truy cập internet băng rộng với chi phí thấp. Cùng với đó, các tuyến cáp quang biển tại Việt Nam phải do Việt Nam xây dựng, dữ liệu tại Việt Nam phải do người Việt tạo ra và lưu giữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao trải nghiệm dịch vụ viễn thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.