Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Nguyễn Mai - Ảnh: Bá Hoạt| 29/05/2019 09:21

(HNMO) - Sáng 29-5, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại huyện Thường Tín.

(HNMO) - Sáng 29-5, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2016-2020” đã kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại huyện Thường Tín.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc tại huyện Thường Tín.

Tiêu hủy gần 1.500 tấn lợn bệnh

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, huyện Thường Tín đã có 24/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện phấn đấu đến 2019 có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới năm 2020.

Thường Tín đã có 28/28 xã chuyển đổi các hợp tác xã theo luật; các hợp tác xã đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất đúng hướng theo chỉ đạo của thành phố; quan tâm đến xây dựng thương hiệu, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập cao cho nông dân.


Để đạt kết quả trên, từ năm 2016 đến nay, huyện Thường Tín đã huy động được 1.266 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới và không để nợ vốn xây dựng cơ bản. Đối với phát triển kinh tế, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, huyện Thường Tín phát triển các làng nghề truyền thống như: Sơn mài Hạ Thái, thêu ren Quất Động, tiện gỗ Nhị Khê... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.


Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, việc thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy trên địa bàn huyện còn một số khó khăn, như: Nguồn vốn bố trí cho chương trình còn hạn chế, việc thu hút nguồn lực từ xã hội hóa còn khiêm tốn; tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Về bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND huyện Kiều Xuân Huy cho biết, tại huyện Thường Tín đã xuất hiện bệnh ở 29/29 xã, thị trấn. Huyện đã tiêu hủy 17.984/63.050 con lợn (chiếm 28,5% tổng đàn), với trọng lượng tiêu hủy gần 1.500 tấn. Đến nay, bệnh đang có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng, xuất hiện cả ở các trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học. 

Trước diễn biến của bệnh, huyện Thường Tín đã thành lập các tổ kiểm tra liên ngành lưu động thực hiện công tác phòng chống, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi biện pháp phòng bệnh dịch. Huyện cũng đã cấp phát cho các xã 10.000 lít hóa chất cùng vật tư; bố trí lực lượng phục vụ công tác phòng, chống bệnh. 

Huyện Thường Tín kiến nghị các sở, ngành sớm có hướng dẫn về định mức hỗ trợ cho công tác phòng, chống bệnh dịch, bồi dưỡng cho người trực tiếp làm công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi…

Quyết liệt hơn trong phòng, chống bệnh dịch

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của huyện Thường Tín trong thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy. Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, huyện Thường Tín đã chỉ đạo quyết liệt công tác phát triển cây trồng vật nuôi, có cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể, đặc thù khuyến khích động viên các hộ, hợp tác xã... phát triển nông nghiệp chuyên canh. Mô hình trồng rau sạch của Hợp tác xã rau Thanh Hà, vùng cây ăn quả tập trung ở các xã Tự Nhiên, Thư Phú... chính là hướng đi đúng. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao công tác chỉ đạo đồng bộ của huyện Thường Tín về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Huyện đã thực hiện nghiêm túc việc trực tại các chốt kiểm dịch liên ngành của thành phố; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch, như: Vận chuyển, mua bán lợn bị bệnh, nghi mắc bệnh; tổ chức tổng vệ sinh cơ giới, rắc vôi bột tại các trục đường chính tại các thôn, làng trên địa bàn huyện, vận động nhân dân mua thêm vôi bột để rắc chuồng trại chăn nuôi, xử lý nước thải chăn nuôi trước khi thải ra môi trường.


Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, huyện Thường Tín coi công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm số 1, có biện pháp quyết liệt hơn để khống chế bệnh.

Thường Tín cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu huyện trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch.

Huyện cần thực hiện đúng quy định chế độ, chính sách, quy trình tiêu hủy, khử trùng, tiêu độc lợn mắc bệnh; chuẩn bị đầy đủ điều kiện vật chất và kinh phí hỗ trợ trong quá trình phòng, chống, tiêu hủy lợn bệnh; phát động người dân thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các đợt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, hạn chế lây lan bệnh giữa các hộ chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Thường Tín chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục đàn lợn; nghiên cứu quy hoạch chăn nuôi lợn trên địa bàn, giảm dần hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng hộ chăn nuôi tập trung xa khu dân cư.

Huyện Thường Tín cũng cần tập trung hơn cho công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; trồng hoa, cây xanh... góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Trước đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã thăm mô hình sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã rau Thanh Hà (xã Ninh Sở) và kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại xã Tự Nhiên. Hợp tác xã rau Thanh Hà có quy mô 1,2ha, sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Sản phẩm rau của hợp tác xã này đã có mặt tại các siêu thị và cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mô hình mở ra hướng đi hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp ven đô quy mô nhỏ nhưng hiệu quả cao.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.