Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao nhận thức của cộng đồng thực hiện cưới văn minh, tiết kiệm

Lâm Vũ| 25/12/2012 07:00

(HNM) - Lễ cưới là một phong tục nhằm thông báo rộng rãi về sự chấp nhận của xã hội và các bên thành hôn về cuộc hôn nhân, là hình thức liên hoan có ý nghĩa thiêng liêng. Đám cưới hiện đại của người Hà Nội hiện nay vẫn giữ được nhiều phong tục tốt đẹp nhưng cũng nảy sinh không ít bất cập.

Theo bà Trần Thị Vân Nương (Viện Gia đình và Giới), tục nộp cheo, thách cưới, lễ đen, đòi của hồi môn đã dần vắng bóng trong các lễ cưới ở Hà Nội. Trong trường hợp không thể bỏ được thì nó cũng biến đổi về hình thức và ý nghĩa. Điển hình như lễ đen ngày nay chỉ có ý nghĩa như một món quà, góp một phần vật chất để nhà gái giảm bớt chi phí tổ chức lễ cưới và cũng thể hiện phần nào lòng biết ơn những người đã nuôi dưỡng cô dâu. Của hồi môn đã khác hẳn về ý nghĩa so với trước đây và có thể được nhà trai yêu cầu hoặc không.


Một đám cưới trang trọng, tiết kiệm tại huyện Thanh Oai (Hà Nội).
Ảnh: Đức Nghiêm

Lễ cưới ở Hà Nội hiện nay phổ biến hiện tượng gộp lễ ăn hỏi và lễ thành hôn cho những gia đình ở xa, không có điều kiện thường xuyên qua lại, do đôi trai gái đã có thời gian tìm hiểu kỹ, gia đình hai bên đã thống nhất trong lễ dạm ngõ. Lễ xin dâu kết hợp trong lễ đón dâu đã tiết kiệm được thời gian đi lại, bớt đi sự rườm rà nhưng vẫn thể hiện được sự tôn trọng cô dâu và gia đình nhà gái. Ở đây, tuy có sự thay đổi về hình thức thực hiện cho phù hợp với hoàn cảnh nhưng về nội dung ý nghĩa thì không thay đổi.

Lễ cưới của người Hà Nội hiện nay có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại. "Mặc dù trong lễ cưới ngày nay, cô dâu, chú rể mặc trang phục theo kiểu phương Tây nhưng trong lễ ăn hỏi, hình ảnh thường thấy vẫn là áo dài truyền thống. Những nghi thức trước, trong và sau lễ cưới vẫn được tiến hành đầy đủ như lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ xin dâu, lễ đón dâu. Hoàn thành các nghi lễ ở gia đình, cô dâu, chú rể mới lên xe hoa đến nhà hàng. Tại đây, tiệc cưới mới được tổ chức theo phong cách hiện đại với việc mở sâm panh, cắt bánh cưới…", bà Trần Thị Vân Nương phân tích.

Vẫn còn hủ tục

Xem tuổi, chọn ngày cưới là một phong tục từ ngàn xưa và vẫn còn lưu giữ trong lễ cưới của người Hà Nội ngày nay. Điều tra 1.202 hộ gia đình về "Nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội" do Viện Gia đình và Giới, Sở VH-TT&DL Hà Nội thực hiện cho thấy, có khoảng 24% số người được hỏi ý kiến cho biết có xem tuổi trước khi cưới. Xét về tính chất, ý nghĩa tích cực của phong tục này là sự thể hiện mong muốn cho đôi trẻ được gắn kết bền lâu. Tuy nhiên, việc làm mang tính mê tín này cũng đã tạo nên nhiều bi kịch cho không ít đôi trẻ. Do không được sự chấp thuận của cha mẹ, có đôi đã cùng nhau tự vẫn, có cặp vẫn cưới nhưng trong sự thiếu thốn khi không có sự chứng kiến, hỗ trợ của hai gia đình. Có gia đình miễn cưỡng chấp nhận nhưng do đã có thành kiến trước nên đối xử không tốt, không vui vẻ với con dâu, tạo nên không khí gia đình nặng nề.

Xu hướng tổ chức lễ cưới to, phô trương, đình đám, khách mời tràn lan, chi phí tốn kém của một bộ phận không nhỏ những người có chức có quyền, kinh doanh buôn bán còn khá phổ biến. Trên thực tế, tiệc mặn là hình thức phổ biến, chiếm 84% số đám cưới, tiệc ngọt chỉ chiếm 10%, tiệc trà thuốc 5%. Các hình thức khác như báo hỷ, chỉ đăng ký kết hôn, không tổ chức đám cưới hầu như không diễn ra. Những gia đình giàu có tổ chức đám cưới linh đình đã đành, nhiều gia đình nghèo cũng gắng lo tổ chức thật lớn. Theo các nhà nghiên cứu, do quan niệm "cả đời mới có một lần", rồi phải "trả nợ miệng", rằng "mình đã mừng đám cưới nhiều, nay phải làm lớn để đòi lại" nên đám cưới ngày một đông. L.M.Q (35 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Họ nhà mình rất to. Mình là con đầu, nhưng bố mẹ lại là con út trong nhà có 7 anh chị em nữa. Bố mẹ là cán bộ nhà nước nên rất đông bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới. Đặt 120 mâm, sau đám cưới, tính ra không lỗ, mình mới thở phào nhẹ nhõm".

Hiện tượng thương mại hóa lễ cưới cũng đang là một xu hướng tiêu cực trong các lễ cưới ở Hà Nội. Người tổ chức thì lợi dụng lễ cưới để trục lợi, còn người đến dự lợi dụng lễ cưới để lấy lòng người chủ tiệc đôi khi bằng món tiền mừng lớn hoặc quà cưới đắt giá… "Có nhiều động thái cá nhân và các ẩn ý quan hệ đằng sau đó khiến cho sự trợ giúp về vật chất trong lễ cưới không còn được đẹp như ý nghĩa vốn có của nó. Không quá nhiều nhưng không phải không có sự đầu tư cho quan hệ thông qua lễ cưới, làm mất đi tính văn hóa của một nghi lễ văn hóa", bà Trần Thị Vân Nương nhận xét.

Cưới xin là việc có ý nghĩa trọng đại trong cuộc đời mỗi người. Tổ chức sao cho trang trọng, ý nghĩa, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình là việc cần hướng tới trong xã hội hiện đại. Hà Nội cũng đã có nhiều giải pháp để hướng tới đám cưới thực sự văn minh, song việc này cần lắm sự chung tay của mỗi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao nhận thức của cộng đồng thực hiện cưới văn minh, tiết kiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.