Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa giá trị tốt đẹp từ cưới văn minh

Nguyễn Thanh| 15/10/2022 06:18

(HNM) - Đám cưới “5 không”, đám cưới điểm, cưới “tiệc ngọt, tiệc trà”… là những mô hình văn minh được áp dụng, duy trì tốt ở Thủ đô Hà Nội thời gian qua. Những cách làm sáng tạo này đã và đang mang lại hiệu quả trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần bồi đắp, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đoàn thanh niên cơ sở ở huyện Phú Xuyên hỗ trợ việc cưới tại địa phương.

Thay nếp nghĩ, đổi cách làm

Là một trong những mô hình được triển khai hiệu quả trong xây dựng đời sống văn hóa, đám cưới “5 không” (không mời thuốc, không uống rượu say, không đánh bạc, không gây mất trật tự công cộng, không mở loa đài to từ 22h hôm trước đến 7h hôm sau) ở huyện Phú Xuyên đã và đang tạo ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết, đám cưới có sự hỗ trợ của lực lượng đoàn viên thanh niên ngày càng phổ biến ở Phú Xuyên, với các hình thức tổ chức giản dị mà trang trọng. Cô dâu, chú rể mặc trang phục truyền thống, ăn mừng bằng tiệc ngọt, tiệc trà và tham gia nhiều việc làm ý nghĩa, như: Viếng nghĩa trang liệt sĩ, trồng cây lưu niệm, ủng hộ quỹ khuyến học, tặng quà gia đình chính sách… Hình thức này không chỉ mang đến không khí vui tươi, đầm ấm, mà còn góp phần loại trừ tình trạng tổ chức xa hoa lãng phí, uống rượu say gây mất trật tự, đánh bạc, vui chơi văn nghệ quá đà trong lễ cưới.

Tương tự huyện Phú Xuyên, quận Đống Đa trong những năm qua cũng rất tích cực triển khai, lan tỏa nếp sống văn minh trong việc cưới. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải, trên địa bàn quận Đống Đa có nhiều mô hình điểm về cưới văn minh được các tổ chức đoàn thể triển khai, trong đó nổi bật là mô hình "Đám cưới tập thể" của Đoàn thanh niên cơ sở, với 245 cặp đôi tổ chức hôn lễ thành công theo hình thức này. Các hiện tượng thách cưới, dẫn cưới rườm rà, tổ chức tiệc cưới nhiều ngày, nhiều lần với quy mô lớn ở quận đã giảm hẳn và xu hướng hạn chế khách mời, tổ chức tiệc trà, báo hỷ trở thành phổ biến cho thấy những thay đổi tích cực trong nếp nghĩ, cách làm của người dân đối với một công việc hệ trọng, dễ bị "nặng nề" trong quan điểm, cách thức tổ chức...

Nhìn rộng ra để thấy, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố nhiều năm trở lại đây đã có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng văn minh, gọn nhẹ, tiết kiệm và bảo đảm thuần phong mỹ tục. Nhờ nỗ lực vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân, nhiều mô hình cưới hỏi văn minh ra đời, được tích cực hưởng ứng, nhân rộng, góp phần đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực.

Kiên trì mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa

Thống kê của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Hà Nội cũng cho thấy bức tranh toàn cảnh đầy khởi sắc trong việc cưới ở Thủ đô. Trong 10 năm (2012-2022), toàn thành phố có 481.920 đám cưới, thì 90,71% được tổ chức theo nếp sống mới, loại trừ cơ bản nghi thức rườm rà, lạc hậu; trong đó có 64.435 đám cưới tổ chức theo các mô hình cưới văn minh, như: "Đám cưới điểm", “Cưới tiệc ngọt, tiệc trà”, “Báo hỷ thay tiệc cưới”… do địa phương phát động. Có thể kể đến huyện Đan Phượng, sau nhiều năm bền bỉ vận động, từ 10 “Đám cưới điểm” đầu tiên, đến nay mô hình này đã được hàng nghìn đôi uyên ương áp dụng. Tại huyện Mê Linh, mô hình “Tiết kiệm trong việc cưới” giúp mỗi đám cưới giảm chi phí từ 30 đến 40 triệu đồng…

Đặc biệt, trong hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ý thức về việc cưới văn minh càng được người dân chú trọng, tiêu biểu như: Huyện Đông Anh có 57 đám cưới tổ chức theo hình thức gọn nhẹ; huyện Thanh Oai có 35 đám cưới hoãn hoặc chuyển sang hình thức báo hỷ; quận Hai Bà Trưng với 86 đám cưới văn minh, tiết kiệm…

Để việc cưới theo nếp sống văn minh đi vào cuộc sống một cách bền vững, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, điều quan trọng là tổ chức, duy trì tốt công tác tuyên truyền, cũng như kịp thời khen thưởng, động viên, trong đó cần chú ý đến công tác vận động, gắn thực hiện tổ chức cưới văn minh với việc phấn đấu đạt các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa...

Về vấn đề này, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho biết, thời gian qua, Sở đã ban hành nhiều văn bản về tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, góp phần đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung và Chỉ thị số 11-CT/TU nói riêng. Thời gian tới, ngành Văn hóa Thủ đô tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, nhân rộng hơn nữa những cách làm hay, khuyến khích tổ chức cưới văn minh trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa giá trị tốt đẹp từ cưới văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.