Hợp tác xã nông nghiệp là một "mắt xích" quan trọng trong hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa.
Nhằm phát huy năng lực và hiệu quả hoạt động, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đã triển khai những giải pháp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho các hợp tác xã trên địa bàn thành phố.
Hợp tác xã nông nghiệp là một "mắt xích" quan trọng trong hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa. Nhằm phát huy năng lực và hiệu quả hoạt động, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đã triển khai những giải pháp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho các hợp tác xã trên địa bàn thành phố.
Trên địa bàn thành phố có 1.385 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên hợp tác xã và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có 166 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ, HACCP; 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 80 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; 132 hợp tác xã nông nghiệp có 452 sản phẩm được công nhận đạt OCOP...
Nhiều hợp tác xã đã và đang đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác, cung ứng dịch vụ, đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị…
Trong năm 2024, Liên minh Hợp tác xã thành phố đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mời các chuyên gia JICA (Nhật Bản) tổ chức cho 30 nông dân của 2 hợp tác xã tham gia Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024.
Tại đây, các hộ nông dân của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm) và Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (quận Hà Đông) được các chuyên gia và cán bộ khuyến nông truyền đạt những nội dung liên quan đến cách tiếp cận thị trường theo hình thức bán hàng tập trung; hướng dẫn phương pháp tiếp cận và khảo sát thị trường.
Nhờ đó, người nông dân hiểu được “không phải trồng rồi bán, mà trồng để bán”, người sản xuất phải khảo sát thị trường để từ đó có định hướng sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Sau tập huấn, các hợp tác xã được đi thực tế khảo sát tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng cung ứng nông sản an toàn, công ty thu mua… để nắm bắt thực tế nhu cầu của người tiêu dùng cũng như thu thập thông tin, ý kiến của đối tác thu mua, từ đó có định hướng, kế hoạch sản xuất phù hợp.
Kết quả khảo sát tại cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm tại số 6 Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) - một trong 22 cửa hàng của hệ thống Mart & Farm Bác Tôm với 150 đối tác cung ứng sản phẩm bền vững, cho thấy khách hàng đến đây đều quan tâm đến chất lượng sản phẩm hơn là giá cả.
Theo ông Trần Mạnh Chiến - chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao thì chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu. Chất lượng làm nên thương hiệu và muốn sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm, biết đến thì các hợp tác xã cần phải có bộ phận marketing để có những phương án kinh doanh và tiếp thị truyền thông phù hợp. Bên cạnh đó, các hợp tác xã nông nghiệp cũng cần tiếp cận khách hàng thông qua nền tảng công nghệ số, truyền thông trực tuyến (online).
Với vai trò là Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển thuộc Trung ương Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Giám đốc Hợp tác xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý đã bắt tay xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi "5 nhà": Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn đẩy mạnh liên kết với các hợp tác xã khác để phát triển theo hướng xanh bền vững, tạo nên một chuỗi hệ thống đa năng, cung cấp những sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất tới người tiêu dùng. Hợp tác xã cũng đã thiết lập các kênh phân phối đa dạng, từ bán lẻ tại các cửa hàng truyền thống đến kinh doanh trực tuyến và tham gia các hội chợ nông sản, triển lãm thương mại để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trên cả nước.
Tuy nhiên, không phải hợp tác xã nông nghiệp nào cũng thực hiện tốt việc tiếp cận thị trường, đa số các hợp tác xã nông nghiệp vẫn luôn trong tình trạng “bí” đầu ra sản phẩm nông sản.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cho rằng, thực tế, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố chưa phát huy tương xứng với tiềm năng, chưa chú trọng xây dựng và quản trị thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất, minh bạch quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Nhiều lãnh đạo hợp tác xã chưa nhạy bén với thị trường, trình độ qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là kinh nghiệm. Do đó, việc hỗ trợ các hợp tác xã tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ kết nối, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên hợp tác xã rất cần được các cấp, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, giúp hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.