Năm 2024, ngành Nông nghiệp tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét trong bối cảnh thiên tai lũ lụt diễn biến phức tạp, khó lường. Kết quả nổi bật là kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và duy trì được tăng trưởng xuất khẩu.
Một trong những con số nổi bật vừa được ngành Nông nghiệp tổng kết là tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt giá trị 62,5 tỷ USD, thặng dư thương mại lên đến 17,9 tỷ USD. Đây là mức kỷ lục mới cả về tổng kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại (chiếm khoảng 72% thặng dư thương mại toàn nền kinh tế). Có 7 hàng, nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD (tăng 1 sản phẩm so với năm 2023).
Kết quả này đến từ những nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Trong đó, ngành Nông nghiệp đã tập trung khai thác hiệu quả việc xuất khẩu nông sản sang các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu và tăng cường phát triển thị trường mới Halal (sản phẩm nông sản dành cho thị trường Hồi giáo), châu Phi...
Đáng chú ý, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản; chỉ đạo, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu. Nhờ vậy, giá nông sản Việt Nam đạt mức tốt và quy mô xuất khẩu của nhiều mặt hàng đứng hàng đầu thế giới.
Phải khẳng định, nông sản Việt một mặt đang mang về giá trị kinh tế lớn, mặt khác là thế mạnh hàng đầu để nước ta nâng cao vai trò, vị thế, đóng góp trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu như bảo đảm an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu… Và nhìn rộng hơn, nông sản Việt có mặt trên thị trường quốc tế là niềm tự hào của Việt Nam về một đất nước đang trên đà tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ.
Phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời thể hiện vai trò, vị trí của ngành Nông nghiệp trong nền kinh tế nước ta, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, diễn ra chiều 27-12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho ngành Nông nghiệp trong năm 2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,5-4%, tổng kim ngạch xuất khẩu 70 tỷ USD, để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất trên 8%.
Theo đó, giải pháp trọng tâm của ngành Nông nghiệp tiếp tục phải thực hiện là phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. Ngành Nông nghiệp cùng các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tục đàm phán, ký kết và tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường nghiên cứu, dự báo thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế.
Với yêu cầu chất lượng nông sản ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, ngành sản xuất nông nghiệp trong nước cần tiếp tục nâng cao chất lượng, gia tăng số lượng cấp mã số vùng trồng, cơ sở vùng nuôi, cơ sở đóng gói, bao bì; sản xuất nông sản đạt các chứng nhận thực hành sản xuất tốt và quản lý chặt chẽ an toàn thực phẩm và kiểm soát chất lượng… Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền cần quan tâm phát triển hệ thống logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở ra những triển vọng tươi sáng cho nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.