(HNM) - Những ngày gần đây, mưa lũ, úng ngập đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Thời gian tới, dự báo biến đổi khí hậu tiếp tục kéo theo các loại hình thời tiết cực đoan với cường độ cao hơn. Để có thể ứng phó hiệu quả với mưa lũ, sạt lở, thời tiết nguy hiểm…, công tác dự báo cần được đặt lên hàng đầu.
Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định và là cơ sở để điều hành các hoạt động ứng phó thiên tai. Do vậy, Nhà nước đã chú trọng đầu tư nâng cao năng lực dự báo tác động cũng như thiệt hại có thể xảy ra, sớm đưa thông tin cảnh báo thiên tai tới cộng đồng cư dân.
Cùng với việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0, các cơ quan chức năng đã sử dụng nhiều công nghệ mới trong hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai, như: Sử dụng thiết bị bay không người lái trong hoạt động giám sát, thu thập dữ liệu; xây dựng bản đồ 3D trực quan, chi tiết khu vực bị ảnh hưởng hoặc các khu vực có rủi ro cao về lũ quét, sạt lở đất; ứng dụng đồng hóa dữ liệu vệ tinh nghiên cứu và dự báo mưa lớn bằng mô hình số; xây dựng bản đồ WebGis sạt lở bờ sông, bờ biển; các ứng dụng cảnh báo sớm động đất, sóng thần…
Các ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai đã hỗ trợ hiệu quả cho việc ra quyết định chỉ đạo, điều hành, qua đó hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra… Tuy nhiên, thách thức vẫn ở phía trước! Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, phần mềm dữ liệu… chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Quản lý dữ liệu thiếu sự đồng bộ, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan còn nhiều hạn chế…, chưa kể những khó khăn từ sự khác biệt trong định dạng dữ liệu để tích hợp vào hệ thống…
Để nâng cao năng lực dự báo thiên tai nói riêng và phòng, chống thiên tai nói chung, ngày 21-4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TƯ ngày 25-9-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, xác định: Nâng cao nhận thức và hiệu quả khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn; hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo…
Triển khai kế hoạch nêu trên và hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa lũ…, trước hết cần hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn. Cùng với đó, chủ động thúc đẩy cơ chế, giải pháp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ 4.0 và tăng cường hợp tác quốc tế đối với từng lĩnh vực hoạt động cụ thể.
Mặt khác, các cơ quan phòng, chống thiên tai cần xây dựng quy chế thu thập và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức; nâng cao năng lực quản lý thông tin dữ liệu theo hướng tập trung; đồng thời phát triển cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát thiên tai liên thông… Song song đó, tập trung các giải pháp hình thành hệ thống chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống thiên tai thống nhất từ trung ương tới các địa phương.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai nói riêng, phòng, chống thiên tai nói chung vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, đầu tư nguồn lực khoa học công nghệ cho lĩnh vực này cần được xem là ưu tiên hàng đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.