(HNM) - Với quy mô thị trường khoảng 13 tỷ USD, ngành hàng gia dụng của Việt Nam được đánh giá là
Hàng gia dụng trong nước được bày bán tại siêu thị Fivimart.Ảnh: Anh Tuấn |
Thị trường nhiều triển vọng
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sức chi cho hàng gia dụng tại thị trường Việt Nam chiếm khoảng 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân. Trong 11 nhóm ngành hàng chính, nhóm hàng gia dụng đứng thứ tư về quy mô tiêu dùng, vào khoảng 13 tỷ USD. Số người tiêu dùng quan tâm đến hàng gia dụng trong nước cũng ngày càng tăng. Các thương hiệu Việt Nam, như: Sunhouse, Hoa Sen, Tiền Phong, Tân Á, Điện Quang, Rạng Đông, Sơn Hà… ngày càng chiếm lĩnh thị trường nhờ công nghệ, giá thành, hệ thống phân phối rộng khắp. Thị trường nông thôn cũng dần chuyển sang sử dụng các mặt hàng gia dụng sản xuất trong nước với mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý. Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse nhận định, ngành hàng gia dụng có nhiều triển vọng, đặc biệt là khi giá bán lẻ thành phẩm có nhiều điều kiện tiếp tục giảm trong thời gian tới, trong khi không yêu cầu công nghệ quá cao.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng gia dụng còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh yếu khi so sánh với doanh nghiệp các nước trong khối ASEAN. Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn yếu trong áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Các dòng sản phẩm chưa thực sự đa dạng và vượt trội trên thị trường. Nhiều chi phí đầu vào tăng cao so với doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không mạnh ở thị trường trong nước, doanh nghiệp khó có thể đạt kim ngạch xuất khẩu cao do thị trường quốc tế vốn chứa đựng nhiều rủi ro.
Chú trọng khu vực nông thôn
Ông Nguyễn Xuân Phú cho rằng, khi hội nhập, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp ngành hàng gia dụng là hàng loạt các đối thủ cạnh tranh ở Thái Lan, Hàn Quốc… cũng được hưởng lợi từ thuế suất 0%. Nguy cơ mất thị trường nội địa là rất lớn do xu hướng tiêu dùng yêu cầu sự đa dạng về sản phẩm, mà đây chưa phải là lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam. Dự báo trong vòng 3 - 5 năm nữa, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng Việt sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, các doanh nghiệp phải đề ra chiến lược cho hoạt động kinh doanh, dự báo được tương lai của ngành hàng để xác định nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp cũng phải mở rộng sản xuất, nghiên cứu, phát triển mẫu mã, sản phẩm, xúc tiến thương mại, cải thiện, nâng cao hệ thống quản trị kinh doanh. Đặc biệt, doanh nghiệp phải thường xuyên cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, hiệp hội ngành nghề để Nhà nước có thể biết được tình hình và đưa ra các chính sách tháo gỡ.
Thông tin từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng các chính sách hỗ trợ vay vốn để tiếp cận công nghệ, mở rộng đầu tư sản xuất, từ đó đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao. Điển hình như Công ty cổ phần Nhựa Đại Đồng Tiến đẩy mạnh nghiên cứu, đưa ra thị trường 5 dòng sản phẩm gia dụng chất lượng cao, đồng thời xây dựng mạng lưới hơn 700 đại lý trên toàn quốc, đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Co.opmart, Vinmart…
Theo đánh giá của các chuyên gia, có hơn 60% tổng thu nhập cá nhân của người Việt Nam được bỏ ra cho chi phí sinh hoạt gia đình, cao hơn nhiều so với Singapore. Bên cạnh đó, cơ cấu dân số trẻ và số lượng hộ gia đình mới không ngừng tăng lên, khiến nhu cầu các mặt hàng gia dụng ngày càng cao. Theo nhận định của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nếu có chiến lược thị trường phù hợp, thì dù có sự “đổ bộ” của thương hiệu cao cấp trên thế giới, các doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng trong nước vẫn có thể giữ được chỗ đứng tốt trên thị trường. Đặc biệt, thị trường hàng gia dụng tại khu vực nông thôn còn thiếu nhiều mặt hàng phù hợp thị hiếu và khả năng chi trả của người tiêu dùng. Vì vậy, việc chú trọng vào thị trường bình dân, khu vực nông thôn là một hướng đi tốt để khẳng định chỗ đứng của doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, để khai thác tốt phân khúc thị trường trung cấp và bình dân trong ngành hàng gia dụng, các doanh nghiệp nên chủ động đồng hành với chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn… để tiếp cận và hiểu rõ hơn nhu cầu người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.