(HNM) - Việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng nghề là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì thế, các cơ quan chức năng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm trang bị và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động. Đó là khẳng định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung đào tạo kỹ năng nghề cho lực lượng lao động trong thời kỳ phát triển, hội nhập.
Lực lượng lao động có bằng, chứng chỉ mới đạt 25%
- Ông có thể cho biết kết quả của giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng nghề?
- Những quốc gia có năng suất lao động cao thường có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển và lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao. Quốc gia nào càng nhiều lao động vững kỹ năng nghề, càng thu hút nhiều nhà đầu tư. Ở nước ta, với 5/8 bậc trong khung trình độ quốc gia, có vị trí, vai trò quan trọng vì tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở nước ta được quan tâm, đầu tư phát triển về nhiều mặt. Nhờ đó, từ năm 2017 đến nay, hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 2 triệu lượt người, vượt kế hoạch đề ra. Sau khi ra trường, hơn 85% số người học nghề có việc làm, với thu nhập tốt.
Những kết quả đạt được trong giáo dục nghề nghiệp đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 58,6% vào năm 2018, lên khoảng 65% vào năm 2020. Tỷ lệ lao động có bằng hoặc chứng chỉ cũng tăng từ 22,2% năm 2018, lên 25% vào năm 2020. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, với tốc độ tăng trung bình 5,8%/năm. Sự chuyển biến tích cực đó góp phần nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam tăng 13 bậc, góp phần tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia so với năm 2018...
- Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả đạt được trong đào tạo kỹ năng nghề cho lực lượng lao động là không thể phủ nhận, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Quan điểm của ông về nhận định này thế nào?
- Theo nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế, mỗi năm khoảng 6% tăng trưởng kinh tế thế giới (tương đương 5.000 tỷ đô la Mỹ) có thể bị mất đi do khoảng cách chênh lệch ngày càng tăng giữa kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại với kỹ năng mà các doanh nghiệp cần để thích ứng với sự thay đổi liên tục của công nghệ và thị trường. Ở chiều ngược lại, theo một nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị kỹ năng nghề thế giới năm 2020, phát triển kỹ năng lấy con người là trung tâm có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới thêm từ 0,5% đến 2%/năm. Như vậy, phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề không chỉ đơn thuần là vấn đề giáo dục (kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp), mà đằng sau đó là vấn đề kinh tế (năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia).
Qua những dẫn chứng nêu trên để thấy rõ hơn, chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hằng năm ở nước ta với số lượng hơn 2 triệu người là thấp so với tiềm năng của quốc gia có gần 100 triệu dân và hơn 55 triệu lao động.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động có kỹ năng nghề ở nước ta còn thấp?
- Tôi cho rằng, do cơ chế, chính sách thúc đẩy việc đào tạo, bổ sung kỹ năng nghề thường xuyên cho người lao động chưa thích ứng với sự thay đổi của thế giới; công tác phân luồng sau trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa hợp lý. Cũng có thể kể ra các nguyên nhân khác, như: Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động đổi mới, sáng tạo. Cơ sở vật chất của mạng lưới giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập…
Thiết kế hệ thống giáo dục nghề nghiệp thích ứng với thị trường lao động
- Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới dự báo, trong tương lai gần, khoảng 40% lực lượng lao động toàn cầu phải bổ sung kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc, mà Việt Nam không phải ngoại lệ. Vậy, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần được đổi mới ra sao, thưa ông?
- Để mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động cũng như sự phát triển bền vững của đất nước, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được chú trọng cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo, trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Hiệu quả của hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ được đo bằng tiêu chí “chấp nhận của thị trường lao động”.
Ngoài ra, các bên liên quan sẽ thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả; tăng cường đầu tư các trường nghề chất lượng cao, tập trung đào tạo các nghề trọng điểm… Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN công nhận.
- Cùng với sự đổi mới của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, theo ông, các bên liên quan cần làm gì để trang bị kỹ năng nghề cho người lao động?
- Ngoài các cơ chế, chính sách đang triển khai, theo tôi, các địa phương cần làm tốt hơn công tác dự báo, cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch tuyển sinh học nghề, giải quyết việc làm cho người động qua đào tạo nghề. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề.
Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ…, thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Đơn vị sử dụng lao động nên chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho người lao động, để có lực lượng lao động vững kỹ năng nghề. Đối với người lao động, cần chủ động trang bị cho bản thân những kỹ năng nghề nghiệp phù hợp.
Ở cấp vĩ mô, mối quan hệ gắn kết 3 “nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp cần được củng cố, tăng cường; cùng với đó có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng, năng lực hành nghề...
Với các giải pháp đồng bộ trang bị và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, chắc chắn tỷ lệ lao động có kỹ năng nghề ở nước ta sẽ tăng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia tiếp tục được cải thiện.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.