(HNMO) - Chiều 5-8, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
tổ chức tọa đàm “Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp Dầu khí”.
Tại tọa đàm, ông Đỗ Chí Thanh, Phó tổng giám đốc PVN cho biết, Luật Dầu khí được Quốc hội ban hành năm 1993 và đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động Dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới đã có những thay đổi trong hoạt động khai thác và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu thô và khí đốt. Ở trong nước, môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí kém hấp dẫn. Số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết giảm đáng kể, thậm chí những năm gần đây không ký được hợp đồng mới. Sản lượng khai thác dầu thô ở các mỏ truyền thống, qua nhiều năm, suy giảm tự nhiên. Các mỏ mới được phát hiện có trữ lượng không lớn, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp…
Thực tế này đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động dầu khí trong giai đoạn tới. Vì vậy, Quốc hội đã nhất trí đưa Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022.
Trình bày đề xuất của PVN về việc hoàn thiện Dự án. Luật Dầu khí (sửa đổi), Phó trưởng Ban Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí (PVN) Phan Giang Long cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành liên quan trình Quốc hội dự thảo. Dự thảo đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV và hiện Ban soạn thảo đang nỗ lực chỉnh sửa để dự kiến trình tại phiên họp tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khẳng định tính cần thiết của việc sửa đổi Luật Dầu khí, ông Long lấy ví dụ, trong hoạt động điều tra cơ bản - khâu đầu tiên và quan trọng để tìm kiếm dòng dầu cho quốc gia nhưng tại Dự thảo quy định việc nộp mẫu vật, thông tin, dữ liệu kết quả điều tra cơ bản về dầu khí đã được phê duyệt về Bộ Công Thương; đồng thời nộp báo cáo kết quả điều tra cơ bản về dầu khí về Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất và khoáng sản. Tài liệu, mẫu vật và báo cáo kết quả điều tra cơ bản chỉ được giao nộp về Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều đó cho thấy bất cập ở chỗ, PVN là đơn vị tìm kiếm, thăm dò để tiến tới khai thác dầu khí phục vụ phát triển kinh tế đất nước; nếu chỉ nộp dữ liệu điều tra cơ bản về hai Bộ nêu trên có nghĩa PVN không được quản lý các tài liệu, mẫu vật và kết quả điều tra cơ bản sẽ gây khó cho việc sử dụng kết quả điều tra này và không thuận lợi để phục vụ công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu đánh giá chuyên sâu…
Đóng góp để thúc đẩy phát triển công nghiệp Dầu khí, từ góc độ thăm dò - khai thác, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty thăm dò - khai thác dầu khí (PVEP) thông tin, trong khoảng 10 năm gần đây, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quản lý vốn đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước như PVN và các công ty thuộc sở hữu toàn phần của doanh nghiệp nhà nước như PVEP. Vì thế, việc triển khai đầu tư dự án dầu khí của PVN, PVEP chịu sự điều chỉnh của rất nhiều nguồn luật khác nhau nhưng giữa các văn bản này lại tồn tại các khoảng trống pháp lý và không ít sự chồng chéo, mâu thuẫn. Điều này gây ra nhiều khó khăn và là rào cản lớn đối với PVEP trong triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí, không tạo đà tối ưu hóa việc phát triển, khai thác tài nguyên dầu khí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách quốc gia.
“Nút thắt lớn cần được tháo gỡ ngay đối với các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực thăm dò khai thác Dầu khí như PVN và PVEP là vấn đề thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư. Vướng mắc này nảy sinh từ các quy định hiện hành của Luật Dầu khí, Luật Đầu tư và Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước” - ông Trung cho biết.
Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia thống nhất, bên cạnh những khó khăn về điều kiện kỹ thuật, địa chất, tình hình triển khai thực địa, khó khăn trong cơ chế chính sách pháp luật về dầu khí cũng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động thăm dò khai thác. Và hoạt động dầu khí là hoạt động có tính đặc thù nhưng không phải tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động dầu khí đã được quy định trong Luật Dầu khí hiện hành...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.