Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Hồng Sơn| 25/01/2016 07:35

(HNM) - Việt Nam đã thu hút 22,76 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đăng ký mới và vốn đăng ký bổ sung trong năm 2015, tăng 12,5% so với năm 2014. Riêng kết quả giải ngân nguồn vốn này đạt 14,5 tỷ USD, tăng tới 17,4%.

Đáng ghi nhận là kết quả thu hút vốn ĐTNN năm qua cao hơn hẳn so với nhiều năm gần đây, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trong thu hút đầu tư đang diễn ra gay gắt trong khu vực nói riêng, thế giới nói chung. Điều này thể hiện rõ uy tín cũng như chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Đơn cử, hơn 70% số DN Nhật Bản xác nhận sẵn sàng thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam trong tương lai gần, trong khi các DN Mỹ cũng mong muốn sớm trở thành nhà đầu tư số một ở Việt Nam. Điều đó chứng tỏ các nhà ĐTNN ngày càng đánh giá cao những nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và hỗ trợ DN của Việt Nam.

Sản xuất các thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam


Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua cũng bộc lộ hạn chế cần sớm khắc phục để đẩy mạnh thu hút vốn ĐTNN trong thời gian tới. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn ĐTNN ngày càng khốc liệt, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư và kinh doanh, các hướng dẫn để cụ thể hóa và tạo điều kiện thuận lợi hóa cho nhà ĐTNN. Đặc biệt, nhà đầu tư đang mong muốn tham gia vào các dự án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường sắt, đường ô tô. Dự báo, nhu cầu về vốn đối với các dự án, hạng mục này lên tới vài chục tỷ USD trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, với hàng chục dự án lớn. Đây sẽ là danh mục hấp dẫn, đáng được nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, tiến tới triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, là hình thức mới, thông thoáng và được Chính phủ, địa phương khuyến khích trong tương lai.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ chủ động hơn trong việc mời gọi các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhằm từng bước tăng tốc độ hình thành chuỗi cơ sở sản xuất các loại linh kiện, chi tiết để cung cấp cho các nhà máy lắp ráp thành phẩm. Đây cũng là điều kiện để hình thành, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ kết hợp đẩy nhanh tốc độ thực hiện mục tiêu CNH - HĐH nền kinh tế.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương sẽ dứt khoát quan điểm thay đổi cách nhìn, cách "chấm" dự án ĐTNN; từ chỗ chủ yếu "nghiêng" về số lượng và không yêu cầu cao về công nghệ, bảo vệ môi trường, các chỉ số về tiêu hao năng lượng, diện tích triển khai dự án… trong giai đoạn trước sang tiêu chí "chất lượng". Điều đó cho phép các cấp điều hành, chính quyền các địa phương nâng tầm chiến lược, chủ động khuyến khích những dự án theo tiêu chí ưu tiên: Hiện đại, làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và xuất khẩu, tiêu hao ít năng lượng, đồng thời kết hợp bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.