Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác thú y

Nguyễn Ngọc Sơn| 10/11/2017 06:35

(HNM) - Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước với 169.077 con trâu, bò; 2.255.612 con lợn; 412.751 con chó, mèo; 26.789.364 con gia cầm...

Cán bộ thú y Trạm Thú y Gia Lâm kiểm tra cơ sở giết mổ Lan Vinh (huyện Gia Lâm).



Hà Nội và các tỉnh tập trung trao đổi thông tin và kinh nghiệm về quy hoạch phát triển chăn nuôi; phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng hệ thống thú y cơ sở; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, trao đổi về các chính sách: Quản lý phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật, quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; khuyến khích các cơ sở giết mổ tập trung; kinh nghiệm quản lý, xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ không nằm trong quy hoạch; kiểm soát chất lượng và phối hợp truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trong khâu tiêu thụ; khuyến khích kết nối, thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa các tỉnh, thành phố để cung cấp thực phẩm cho Hà Nội và ngược lại; phối hợp thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm cung ứng cho các bên và cùng tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ…

Một trong những hoạt động gần đây là Chi cục Thú y Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp 9 tháng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ tiếp theo. Qua đó, đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương (Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, các trung tâm, hội chăn nuôi, hội thú y…); các sở, ngành chức năng TP Hà Nội; các phòng, đơn vị liên quan thuộc sở và lãnh đạo Chi cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và thú y 24 tỉnh, thành phía Bắc đã trao đổi thông tin, thông báo tình hình dịch bệnh; bàn biện pháp phòng dịch. Phối hợp kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc về các chợ đầu mối... góp phần giám sát, kiểm soát, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Các tỉnh, thành phố cũng đã phối hợp hiệu quả trong công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh, việc xuất - nhập động vật; thông báo kịp thời các diễn biến nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng và xử lý triệt để tình huống xấu...

Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cũng đã được thực hiện nghiêm túc. Đa số gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm lưu thông số lượng lớn giữa các tỉnh tham gia ký kết thỏa thuận phối hợp đều được tiêm phòng, thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại nơi xuất phát; thực hiện các thủ tục về kiểm dịch theo quy định, được cơ quan thú y kiểm soát chặt chẽ…

Một số tỉnh, thành phố đã tham quan mô hình trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để tham khảo, áp dụng; đặc biệt là việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tham mưu các cơ chế, chính sách về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, quy hoạch, cơ chế, chính sách xây dựng quản lý các cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm... Hằng tháng các tỉnh, thành phố cùng Hà Nội kịp thời cung cấp thông tin về việc cấp giấy kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhằm phối hợp kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc khi cần thiết...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, vẫn còn một số hạn chế trong công tác phối hợp, gây khó khăn cho quản lý và xử lý vi phạm. Đơn cử như việc quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển về Hà Nội của một số tỉnh vẫn còn sơ suất. Việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh dẫn đến tình trạng động vật, sản phẩm động vật từ các địa phương giáp ranh có cơ hội “tuồn” vào với danh nghĩa lưu thông nội tỉnh; việc cung cấp thông tin kiểm dịch giữa các tỉnh chưa đầy đủ. Hiện nhiều tỉnh chưa xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, tỷ lệ sản phẩm động vật có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển vào Hà Nội còn thấp; việc triển khai xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật của các tỉnh, thành phố còn chậm...

Thời gian tới, cùng với khắc phục tồn tại, ngành Thú y Hà Nội và các tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm; tăng cường phối hợp trao đổi thông tin tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi và số liệu về kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ... tạo sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, lĩnh vực kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc; kịp thời thông tin kinh nghiệm quản lý, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm với các chi cục và duy trì đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm; đồng thời, tham mưu với các tỉnh, thành phố về: Kinh phí, vật tư, dụng cụ chuyên ngành, trang thiết bị bảo hộ, phòng chống dịch bệnh... nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác thú y

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.