Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm

Hiền Lương| 07/08/2018 07:01

(HNM) - Thời gian qua, ngành Kiểm tra Đảng TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Cán bộ ngành Kiểm tra Đảng TP Hà Nội trao đổi kinh nghiệm kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.


Chủ động kiểm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ba Vì Phùng Tân Nhị cho biết, thực hiện Hướng dẫn 01-HD/UBKTTƯ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và sự chỉ đạo tăng cường kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, đơn vị đã tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức kiểm tra và chỉ rõ Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Thường trực - Chủ tịch HĐND của một xã đều có vi phạm. “Hiện nay, chúng tôi đang tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy để sớm công bố kết luận kiểm tra và tiến hành các bước xử lý kỷ luật đối với cán bộ vi phạm”- đồng chí Phùng Tân Nhị nói. Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Địa phương III (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) Trịnh Minh Thạo, việc cấp ủy huyện Ba Vì kiểm tra đảng ủy cấp xã khi có dấu hiệu vi phạm một cách chủ động như vậy cần được nhân rộng.

Chỉ có 3 cán bộ đảm đương khối lượng công việc lớn, nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm 1 đảng viên và chuẩn bị kiểm tra đối với chi ủy, bí thư 3 chi bộ khác. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Đàm Quốc Lịch cho hay, đơn vị thường xuyên chỉ đạo việc khảo sát, nắm tình hình ở những lĩnh vực nhạy cảm, được người dân quan tâm như cải cách thủ tục hành chính để phát hiện dấu hiệu vi phạm đưa vào kế hoạch tổ chức kiểm tra ngay. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Văn Thành công bố số liệu khá ấn tượng: Từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã kiểm tra 3 tổ chức Đảng và 11 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; bước đầu đã kỷ luật 1 đảng viên, đang xem xét các trường hợp khác.

Cùng với các đơn vị trên, nhiều nơi cũng làm tốt công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm như: Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Thường Tín, Phúc Thọ, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai... Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Phạm Huy Giáp, trong 6 tháng đầu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra các cấp thành phố đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 69 tổ chức Đảng và 181 đảng viên; đã kết luận 30 tổ chức Đảng và 107 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 1 tổ chức Đảng và 63 đảng viên.

Vụ trưởng Vụ Địa phương III (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) Trịnh Minh Thạo cho rằng, kết quả kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của Hà Nội vừa qua là rất lớn. Chất lượng, hiệu quả của hầu hết các cuộc kiểm tra đều tích cực, liên quan đến đối tượng nào đều được kiểm tra toàn diện, kết luận rõ ràng.

Sớm khắc phục hạn chế

Mặc dù vậy, việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm vẫn bộc lộ không ít hạn chế. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã chỉ ra 2 vấn đề. Thứ nhất, một số Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy trực thuộc Thành ủy chưa tiến hành kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm (23/59 cấp ủy trực thuộc Thành ủy, trong đó quận Ba Đình là đơn vị duy nhất trong 30 quận, huyện, thị xã chưa kiểm tra được một tổ chức Đảng, đảng viên nào). Thứ hai, công tác kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm về biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, kiểm tra đối với cấp ủy viên cùng cấp còn hạn chế.

Phân tích kỹ hơn, đồng chí Trịnh Minh Thạo cho rằng, công tác khảo sát trước khi kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm cần được làm tốt hơn, vì tỷ lệ đảng viên, tổ chức Đảng thuộc diện kiểm tra bị kỷ luật còn thấp. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra các cấp thành phố cần tham mưu kịp thời và chính xác hơn để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là trước những vấn đề bức xúc, nổi cộm mới phát sinh. “Có những nơi xảy ra vụ việc bức xúc, nổi cộm nhưng chưa kịp thời kiểm tra, giám sát dẫn đến công tác phòng ngừa rất hạn chế, vi phạm kéo dài. Việc xác định nội dung kiểm tra, giám sát ở một số cuộc kiểm tra, ở một số cấp ủy địa phương vẫn còn thiếu trọng tâm, trọng điểm; đối tượng quá rộng, nội dung quá nhiều nên kết quả kiểm tra còn mang tính hình thức” - đồng chí Trịnh Minh Thạo nhận xét.

Thời gian tới, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xác định chủ động khắc phục hạn chế để nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Phó Chủ nhiệm Thường trực phụ trách Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết cho biết, toàn ngành tập trung thực hiện Đề án 06-ĐA/TU ngày 30-11-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trong Đảng bộ TP Hà Nội”. “Ủy ban Kiểm tra các cấp thành phố sẽ quyết liệt thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm của ngành; khảo sát để nắm chắc, hiểu sâu về dấu hiệu vi phạm từ đó kiểm tra kỹ, kết luận rõ ràng; cương quyết khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm” - đồng chí Hoàng Trọng Quyết nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.