(HNMO) - Thực trạng và giải pháp để thắt chặt quan hệ cung - cầu, giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ là nội dung chính của Hội nghị giao thương cung - cầu sản phẩm giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2017.
Lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy giao thương giữa các đơn vị. - Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị |
Dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Vũ Hồng Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đại diện các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và hàng trăm doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, Hà Nội có một số nhóm sản phẩm có thế mạnh, gồm hàng dệt may, cơ khí chế tạo, da giày, nhựa và lương thực, thực phẩm chế biến... Hà Nội có 59 sản phẩm của 46 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm chủ lực, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, một số sản phẩm đã xuất khẩu sang các thị trường "khó tính". Với khoảng 10 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng nông sản mỗi tháng của thành phố rất lớn. Do đó, thành phố luôn quan tâm, tham gia giao thương hàng hóa với các địa phương.
Riêng 10 tháng qua, Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai các chương trình, gồm: Tổ chức hai Tuần hàng Sơn La tại Hà Nội; cùng tỉnh Bắc Giang triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2017, tổ chức Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội; hội nghị nông sản thực phẩm an toàn giữa Hà Nội và Lâm Đồng... Thành phố cũng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, siêu thị và đơn vị sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ rất quan tâm và sẵn sàng hợp tác với Hà Nội cũng như các địa phương nhằm đẩy mạnh giao thương. Các đơn vị cần chủ động, bảo đảm nguồn cung và chất lượng. Đại diện các địa phương nhất trí quan điểm tăng cường hợp tác, tìm và khơi thông nguồn hàng, năng lực sản xuất và chế biến; nhất là bổ sung cho nhau trong quan hệ cung - cầu hàng hóa.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh sự cần thiết và vai trò quan trọng của hợp tác giao thương. Hội nghị lần này đã quy tụ các doanh nghiệp, đại diện các bộ, ngành với những ý kiến thiết thực nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy hoạt động thương mại. Từ đó, mỗi cơ quan, doanh nghiệp cần chủ động hợp tác, tăng cường tiêu thụ sản phẩm; trong đó lưu ý xuất xứ và chất lượng sản phẩm, khả năng truy xuất nguồn gốc, nâng cao sức cạnh tranh. Mục tiêu là bảo đảm nguồn cung, thể hiện được sức mạnh hàng hóa trong nước với tỷ trọng xứng đáng tại các cơ sở thương mại nội địa cũng như của nước ngoài. Hà Nội sẽ chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong đào tạo nhân lực, xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả, phối hợp trong quản lý thị trường...
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã gặp gỡ, trao đổi biên bản ghi nhớ, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, nhằm phục vụ Tết Dương lịch và Nguyên đán 2018 sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.