Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn

Vũ Thủy - Đình Hiệp - Ảnh: Viết Thành| 09/12/2022 18:05

(HNMO) - Chiều 9-12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã tiếp thu, giải trình, làm rõ trách nhiệm của UBND thành phố sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Trong đó, người đứng đầu thành phố nhấn mạnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

100% kiến nghị của cử tri đã được trả lời

Thay mặt UBND thành phố, đồng chí Trần Sỹ Thanh tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng quan trọng, toàn diện, sâu sát của đồng chí Bí thư Thành ủy đối với các nhóm vấn đề được gợi ý thảo luận tại kỳ họp. Đồng thời, UBND thành phố nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến xác đáng của các Ban HĐND thành phố, các tổ đại biểu, các đại biểu HĐND thành phố, nhất là đối với 55 lượt phát biểu ý kiến với gần 200 nội dung tại 5 Tổ thảo luận và 12 ý kiến trao đổi trực tiếp tại hội trường.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh tiếp thu, giải trình, làm rõ trách nhiệm của UBND thành phố.

Với trách nhiệm là Chủ tịch UBND thành phố, đồng chí Trần Sỹ Thanh phát biểu làm rõ thêm một số nội dung cụ thể, về việc chỉ đạo giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô. Trong đó, để chuẩn bị phục vụ kỳ họp, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng 357 ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND thành phố và cử tri Thủ đô trước và sau kỳ họp thứ bảy HĐND thành phố. Đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 14/KH-HĐND ngày 8-11-2022 của Thường trực HĐND thành phố về giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát việc giải quyết kiến nghị của tri từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, qua đó đôn đốc giải quyết 278 kiến nghị còn tồn tại.

Kết quả tới nay, 100% kiến nghị của cử tri đã được trả lời; riêng năm 2022 đã giải quyết xong 386/573 kiến nghị (đạt tỷ lệ 67,4%); tính lũy kế từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay đã giải quyết xong 1.143/1.370 (đạt tỷ lệ 86,4%) kiến nghị cử tri.

Thông qua nắm bắt, giải quyết kiến nghị cử tri, các cơ quan chức năng của thành phố đã có chuyển biến tích cực trong việc tháo gỡ những bức xúc trong thực tiễn, những vướng mắc và bất cập trong cơ chế quản lý, điều hành, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân Thủ đô.

Điển hình là UBND thành phố đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo do 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban để tập trung chỉ đạo thực hiện đầu tư xây dựng mới 6 công viên; cải tạo chỉnh trang 5 công viên và cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đồng thời, UBND thành phố đã chỉ đạo dừng việc bán vé vào cửa từ ngày 1-1-2023 và hạ thấp hàng rào Công viên Thống Nhất để tạo không gian mở với khu vực đường Trần Nhân Tông và phố Nguyễn Đình Chiểu.  

Kỷ cương hành chính chuyển biến chậm

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn, tồn tại mà cử tri và nhân dân đã có kiến nghị và tại phiên chất vấn một số đại biểu đã đề nghị thành phố cần quan tâm, khắc phục.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh tiếp thu, giải trình, làm rõ trách nhiệm của UBND thành phố.

Đó là kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng chậm và chưa đạt yêu cầu. Còn nhiều nhiệm vụ tại chương trình công tác, chương trình hành động được trung ương và thành phố giao chậm tiến độ.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp so với mục tiêu đề ra. Tổng thu ngân sách tăng khá cao so cùng kỳ và ước cả năm vượt dự toán, tuy nhiên kết quả một số khoản thu, khu vực thu còn thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ. Thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 74,1% dự toán, giảm 5,7%. Thu từ khu vực đầu tư nước ngoài đạt 89,7% dự toán, giảm 0,5%. Các khoản thu về nhà, đất chỉ đạt 60,3% dự toán, giảm 22,2%.

Thực hiện các khâu đột phá còn nhiều khó khăn, nhất là về phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; thoát nước đô thị ngày càng quá tải. Hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu chậm tiến độ. Xuất hiện tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm. Tình hình tai nạn giao thông và cháy, nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp.

“Với những tồn tại nói trên, UBND thành phố xác định có một số việc đã được nhận diện nhiều năm nhưng chưa được khắc phục triệt để, nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng đã được chỉ rõ. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, cùng với thực hiện chủ đề năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Ưu tiên 3 nhiệm vụ trong năm 2023

Theo Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, năm 2023 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, khó khăn có thể còn nhiều hơn năm 2022. Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn lực của thành phố có hạn nhưng phải giải quyết nhiều vấn đề nội tại về cơ cấu kinh tế lạc hậu, quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường..., UBND thành phố đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2023.

Thứ nhất, quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trên nguyên tắc: Chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy chế làm việc của Chính phủ, UBND thành phố. Trong đó, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp, khắc phục triệt để hạn chế tồn tại đã chỉ ra năm 2022. Đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; hình thành trục mô hình “chính quyền số - công dân số” nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Chỉ đạo đưa vào ứng dụng, vận hành đồng bộ các phần mềm phục vụ đổi mới công tác quản lý, điều hành của UBND thành phố để chính thức áp dụng trên toàn địa bàn thành phố từ đầu năm 2023 như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; hệ thống thông tin báo cáo thành phố với 171 thông số báo cáo; hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao; Hệ thống theo dõi giải quyết kiến nghị cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ...

Thứ hai, tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và công tác đối ngoại với 10 nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; phát triển các mô hình kinh tế mới. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.

Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp, giám sát chặt chẽ, hiệu quả giữa UBND thành phố với Thường trực HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, các Ban của HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên… phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện và hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.

Không có sự chậm trễ, buông lỏng, lơ là

Về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Ngay sau kỳ họp này, UBND thành phố sẽ chỉ đạo và yêu cầu các thành viên UBND thành phố nghiêm túc trả lời bằng văn bản và gửi đến các đại biểu HĐND thành phố trong thời gian sớm nhất. Với tinh thần cầu thị, UBND thành phố luôn nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện ngay những nội dung được HĐND thành phố quyết nghị, kịp thời báo cáo kết quả thực hiện với HĐND thành phố tại các kỳ họp tiếp theo”.

Ngay sau phát biểu trên, nhiều đại biểu tiếp tục chất vấn và tái chất vấn Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh. Trong đó, các đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Mê Linh), Trần Khánh Hưng (Tổ Ba Vì), Vũ Mạnh Hải (Tổ Thường Tín), Duy Hoàng Dương (Tổ Hoài Đức) về vấn đề xử lý nước thải, thoát nước và các dự án chậm triển khai, đồng thời đặt câu hỏi, vậy giải pháp để kiểm soát, đôn đốc việc này như thế nào? Với vai trò là người đứng đầu UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố có biện pháp chỉ đạo như thế nào?

Trả lời các câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, thông qua chất vấn, thúc đẩy cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Đặc biệt, có sự giám sát của HĐND, cử tri và nhân dân, sẽ tạo chuyển biến tích cực về thái độ của đội ngũ cán bộ, hoàn thành theo kế hoạch. Tuy nhiên, thời gian qua có những việc chưa đạt, không đạt có nhiều nguyên nhân.

Theo UBND thành phố, để thúc đẩy các dự án chậm triển khai, năm 2023, thành phố sẽ triển khai đồng loạt phần mềm mới, vì hiện tại đối với dự án chậm tiến độ, phòng quản lý dự án chỉ có 5 cán bộ, rất khó quản lý. UBND thành phố sẽ chỉ đạo rà soát các dự án thuộc thẩm quyền, nghĩa là tổ chức công việc phải làm tốt hơn nữa.

Về hệ thống thoát nước chậm, giải pháp của thành phố là tăng cường xã hội hóa, vì nguồn lực đầu tư công có hạn. Về giải quyết vấn đề về y tế, giáo dục, giá về nước, giá về rác, vấn đề này HĐND đã có cơ chế, Luật Bảo vệ môi trường đã thông qua. Vì vậy, cần phải triển khai tốt các chủ trương trên, để làm sao các nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng để thực hiện các dự án liên quan đến lĩnh vực này.

Về xử lý nước làng nghề, theo Chủ tịch UBND thành phố, thời gian tới, UBND thành phố sẽ nghiên cứu, tổ chức đánh giá phân loại, để triển khai hiệu quả vấn đề này ở các địa phương; quan tâm bố trí vốn. Trong đó, đội ngũ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng phải kiểm điểm trước nhân dân về việc đã quan tâm đầy đủ về xử lý nước thải làng nghề chưa? Chính vì thế, thời gian tới, không có sự chậm trễ, buông lỏng, lơ là về lĩnh vực xử lý nước thải làng nghề, gây hậu quả ghê gớm đến hiện tại và tương lai con cháu chúng ta.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đã có 31 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn cũng như tranh luận làm rõ các vấn đề; trong đó 3 Phó Chủ tịch UBND thành phố, 9 Giám đốc sở, ban, ngành và 3 Chủ tịch UBND quận, huyện đã tham gia trả lời, báo cáo, giải trình những nội dung liên quan. Chủ tịch UBND thành phố đã báo cáo, tiếp thu, giải trình và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố.

Kết quả phiên chất vấn đã cho thấy các vấn đề được HĐND thành phố lựa chọn chất vấn là “trúng và đúng”, phù hợp với thực tiễn.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

“HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố, các cấp, các ngành tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các đại biểu, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, khẩn trương chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm, lộ trình, tiến độ khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến rõ nét đối với những nội dung, lĩnh vực chất vấn, vấn đề đã được HĐND thành phố nêu”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.