(HNM) - Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng. Không để dịch bệnh lây lan và bùng phát, giải pháp chính hiện nay là thường xuyên vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý phế liệu, phế thải, xử lý các dụng cụ chứa nước có bọ gậy, từ đó không cho muỗi truyền bệnh có nơi sinh sản, phát triển. Để làm tốt công tác này, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội xung kích diệt bọ gậy tại từng khu dân cư là vô cùng quan trọng.
“Đến từng ngõ, gõ từng nhà”...
Hiện tất cả các xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã đã thành lập hơn 26 nghìn đội xung kích diệt bọ gậy. Sau một thời gian “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, các đội xung kích diệt bọ gậy đã cho thấy những hiệu quả đáng kể của công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Bà Nguyễn Thị Hòa, thành viên đội xung kích diệt bọ gậy, Tổ trưởng tổ dân phố số 1 (phường La Khê, quận Hà Đông) chia sẻ: "Được thành lập từ năm 2017 nên những kiến thức và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết của từng thành viên trong đội xung kích diệt bọ gậy tại khu dân cư chúng tôi đều được trang bị rất đầy đủ và bài bản. Để những kiến thức đó đến được với người dân, đội xung kích đã phải chia thành từng nhóm, luân phiên đến tuyên truyền và kiểm tra từng hộ gia đình. Không chỉ giúp các gia đình dọn vệ sinh, cung cấp các kiến thức phòng bệnh..., đội xung kích còn hướng dẫn người dân, lật úp các dụng cụ chứa nước, thả cá vào bể nước, thả hóa chất diệt bọ gậy vào các chậu cây cảnh hay hòn non bộ có nước…".
Ông Phạm Văn Nam, Tổ trưởng tổ dân phố 6, kiêm Phó Bí thư Chi bộ phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), người chịu trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy tại khu dân cư cho biết, hằng tuần tổ dân phố đều tổ chức tổng vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, các đội xung kích diệt bọ gậy tăng cường kiểm tra công tác phòng sốt xuất huyết tại từng hộ gia đình, bảo đảm 2-3 ngày đi kiểm tra một lần.
“Với những hộ luôn có người ở nhà thì dễ dàng tiếp cận. Còn đối với những gia đình công nhân, viên chức làm việc theo giờ hành chính, các thành viên đội xung kích phải “gõ cửa” từ rất sớm hoặc sau giờ tan sở…”, ông Phạm Văn Nam nói.
Bà Nguyễn Thị Phượng, thành viên đội xung kích diệt bọ gậy, Tổ trưởng tổ dân phố 3 (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) bày tỏ: "Vì sức khỏe của cộng đồng, chúng tôi không ngại khổ, ngại khó “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa nước”. Thế nhưng, cái khó lại chính là ý thức của các hộ gia đình. Có những hộ dân khi thấy chúng tôi đến hướng dẫn, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết thì tỏ vẻ khó chịu, không hợp tác. Thậm chí, có những hộ gia đình chúng tôi phải đi lại rất nhiều lần họ mới chịu mở cửa cho vào…".
Thực tế trên cho thấy, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết chỉ đạt hiệu quả khi có sự chung tay của cả cộng đồng, khi mỗi hộ gia đình, mỗi người dân có ý thức thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh.
Không chỉ hoạt động theo phong trào
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 12 đến 18-8), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 301 trường hợp mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 145 xã, phường, thị trấn của 26 quận, huyện, thị xã. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 2.399 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại một số quận, huyện thời gian qua, nơi nào chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, người dân tích cực phối hợp với các đội xung kích diệt bọ gậy, có ý thức phòng bệnh thì nơi đó, dịch bệnh sốt xuất huyết được kiểm soát rất tốt, số ca mắc sốt xuất huyết cũng giảm.
Ngược lại, những nơi nào chính quyền địa phương vào cuộc tích cực nhưng người dân thờ ơ thì hiệu quả phòng, chống sốt xuất huyết chưa cao. Do đó, tại các địa phương cần tăng cường sự vào cuộc của các lực lượng phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, trong đó nêu cao vai trò của đội xung kích diệt bọ gậy. Cụ thể là, tiếp tục giám sát các yếu tố nguy cơ về bệnh sốt xuất huyết, như: Chỉ số bọ gậy, mật độ muỗi và chủ động giám sát bệnh nhân để ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan.
Trước bối cảnh số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây và chuẩn bị khai giảng năm học mới, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã có kế hoạch cụ thể theo từng tình huống dịch, chuẩn bị đủ máy phun hóa chất, đồng thời tích cực tuyên truyền để người dân hợp tác với ngành Y tế cũng như chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Còn với các xã, phường, thị trấn, cần huy động sự vào cuộc tích cực của các đội xung kích diệt bọ gậy. Sự tham gia của đội xung kích phải góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết ngay tại địa bàn dân cư, chứ không phải hoạt động chỉ mang tính phong trào.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền cũng giao nhiệm vụ cho trung tâm y tế các quận, huyện đang có dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp thành lập 2 đội đặc nhiệm/đơn vị, được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ. Lực lượng này có nhiệm vụ xuống xã, phường hỗ trợ và kiểm tra việc triển khai phòng, chống dịch như thế nào, đã đúng chưa và cần phải rút kinh nghiệm những gì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.