(HNMO) – Ngày 16-8, thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 -2020”, Hội LHPN thành phố tổ chức Hội nghị “Tọa đàm nâng cao hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế tham gia xây dựng nông thôn mới” tại huyện Thường Tín.
Trong những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Hội bám sát 19 tiêu chí xây dựng NTM có liên quan trực tiếp để tổ chức các hoạt động phù hợp với nhiệm vụ chính trị của hội và địa phương như: Huy động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn học nghề, tạo việc làm; vận động hội viên tích cực thực hiện dồn điển đổi thửa, hiến đất làm đường, ủng hộ làm đèn đường chiếu sáng; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng sau dồn điển đổi thửa, đảm nhận thực hiện các mô hình kinh tế , áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh; đảm bảo VSMT đồng ruộng… giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đồng thời được các cấp, các ngành đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn thành phố.
Năm 2016, Hội LHPN các quận, huyện, thị xã đăng ký thực hiện các mô hình phát triển kinh tế như: Trồng nấm rơm (Đông Anh), gà an toàn, sinh học, rau cải xanh (Gia Lâm), dưa ngọt (Mê Linh), mướp hương (Thường Tín), trồng hoa ly, loa kèn, hướng dương , cây cảnh (Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ), lúa chất lượng cao J02 và lúa mới VT505 (Ứng Hòa, Thanh Oai), ớt (Thạch Thất), thanh long ruột đỏ (Phú Xuyên), đu đủ (Đan Phượng), cây ăn quả an toàn (Thanh Trì), rau an toàn (Long Biên, Hoàng Mai, Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai), …với sự tham gia của hàng nghìn gia đình hội viên phụ nữ. Các cấp Hội đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, địa phương và các ngành hỗ trợ một phần về giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, tín chấp nguồn vốn, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT và tìm đầu ra cho sản phẩm của các hộ gia đình…
Qua những ý kiến tham luận tại hội nghị cho thấy, các mô hình phát triển kinh tế do hội phụ nữ đảm nhận đã góp phần khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, duy trì các làng nghề truyền thống, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình bền vững, nâng cao đời sống hội viên phụ nữ, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Năng suất, sản lượng một số cây trồng, vật nuôi tuy tăng khá nhưng chưa có nhiều sản phẩm có chất lượng và bảo đảm vệ sinh ATTP. Nhiều đơn vị chưa mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn và việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả còn hạn chế.Việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT và đưa cơ giới hóa vào sản xuất hiệu quả chưa cao.Các mô hình kinh tế tập thể - tổ hợp tác, tổ liên kết chưa có thương hiệu, có lúc bị ép giá sản phẩm, thị trường đầu ra chưa ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ gia đình…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Tuyết, đề nghị các huyện, xã tổng kết đánh giá hiệu quả các mô hình làm điểm và các mô hình kinh tế tập thể do Hội phụ nữ đảm nhận; tuyên truyền, vận đông phụ nữ áp dụng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyên canh, bảo đảm an toàn VSMT và sức khỏe cho người tiêu dùng; các tổ chức hội tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ vốn tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, dạy nghề; phối hợp liên ngành hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng… để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế của hội phụ nữ trong những năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.