(HNM) - “Không đầu tư cho khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra sản phẩm mới, doanh nghiệp Việt đang dần tụt hậu so với doanh nghiệp Campuchia”. Đây là nội dung của báo cáo “Tăng cường sức cạnh tranh và liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Ngân hàng Thế giới vừa công bố.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Viết Thành |
Yếu tố sống còn của doanh nghiệp
Minh chứng rõ nhất cho việc doanh nghiệp Việt Nam thua doanh nghiệp láng giềng Campuchia trong đầu tư cho R&D, có thể thấy ở lĩnh vực công nghiệp ô tô. Trong lĩnh vực này, sau 20 năm Việt Nam vẫn chưa khởi sắc, thì ngay từ năm 2003, Campuchia đã sản xuất thành công chiếc ô tô nội địa Angkor 333. Tiếp đó, đến năm 2014, mẫu ô tô điện mới với thiết kế hoàn chỉnh hơn, sử dụng cảm biến vân tay để mở cửa và khởi động xe, điều khiển xe bằng smartphone qua Wifi và SMS mang tên Angkor EV 2014 đã ra đời.
Đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, hoạt động R&D được thể hiện ở nhiều khía cạnh như cải thiện khả năng đổi mới, tăng cường năng lực công nghệ, làm đa dạng hệ thống sản phẩm - dịch vụ, bắt kịp xu thế thị trường, củng cố và nâng cao vị thế cùng giá trị… giúp thúc đẩy tốc độ phát triển cũng như bảo đảm trước sự gia tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các khảo sát mới đây cho thấy trung bình ở Việt Nam, hoạt động R&D chỉ chiếm dưới 1% tỷ lệ đầu tư trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Đây là con số quá ít ỏi trong khi tại nhiều nước, các doanh nghiệp luôn xem R&D là bộ phận mang yếu tố sống còn với hệ thống sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và thường được đầu tư ở mức hai con số.
Báo cáo “Tăng cường sức cạnh tranh và liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ” của Ngân hàng Thế giới vừa công bố mới đây cũng cho thấy, các doanh nghiệp Việt chỉ chi 1,6% doanh thu hằng năm cho R&D, trong khi tỷ lệ này ở Campuchia là 1,9%. Đáng chú ý, doanh nghiệp ở Lào rất quan tâm đến R&D và đã chi đến 14,5% doanh thu hằng năm cho hoạt động này. Điều đó cho thấy, so với Lào và Campuchia, Việt Nam là nước ít quan tâm đến hoạt động R&D nhất.
Với các doanh nghiệp lớn trên thế giới, việc này cũng rất được chú trọng. Điển hình như Samsung (Hàn Quốc), mỗi năm đầu tư ít nhất 9% lợi nhuận từ bán hàng cho những hoạt động nghiên cứu và phát triển. Hiện Tập đoàn này có tới 42 viện nghiên cứu trên khắp thế giới cộng tác về công nghệ chiến lược cho tương lai và những công nghệ chính được thiết kế để định hướng cho xu thế mới của thị trường. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa nhận thức đầy đủ, dẫn tới chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động R&D. Hệ quả tất yếu là nhiều sản phẩm, dịch vụ trong nước đang bị hàng ngoại nhập lấn át.
Nếu không đầu tư sẽ tụt hậu
Sức ép về tiếp thu công nghệ mới và sáng tạo đối với doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cao trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không muốn tụt hậu so với các nước lân cận.
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), một trong những doanh nghiệp đã tiến sang lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các sản phẩm công nghệ mới cho biết, trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam mới tham gia, kinh nghiệm còn ít, thị trường nhỏ bé, cho nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách thuế, nhất là đối với các đơn vị đưa ra sản phẩm cuối cùng là thiết bị công nghệ cao, mang nhiều tính chất phục vụ lợi ích xã hội.
Như Viettel đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công máy điện thoại cố định không dây Homephone HP 6800; máy điện thoại chuyên dụng dành cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ SeaPhone 6810; thiết kế và sản xuất thử nghiệm thành công 100 mẫu thiết bị USB 3G Modem mang thương hiệu Viettel... Với các thiết bị công nghệ cao, các doanh nghiệp trong nước hiện mới chủ yếu gia công lắp ráp, chỉ khi làm chủ hoàn toàn công nghệ, thì các sản phẩm này mới có giá trị gia tăng cao, khả năng cạnh tranh lớn và điều này rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, trong đó có thể là xây dựng những phòng thí nghiệm lớn cho doanh nghiệp sử dụng.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mở ra cơ hội mà còn có không ít thách thức. Vì vậy, để đồng hành cùng doanh nghiệp, các bộ, ngành đang có nhiều chương trình thúc đẩy hoạt động sáng tạo và ứng dụng công nghệ, để công nghệ là chìa khóa chứ không phải rào cản trong hội nhập. Trong năm 2018, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối để xúc tiến thương mại và xúc tiến đổi mới sáng tạo; thực hiện tư vấn cho doanh nghiệp Việt nâng cao sức cạnh tranh qua chuỗi hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, kết nối công nghệ cao với các nhà sản xuất, phân phối, bằng các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến đổi mới sáng tạo chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn, để đáp ứng xu thế hội nhập và giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường khó tính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.