Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao giá trị hoạt động liên kết

Ngọc Quỳnh| 11/04/2022 06:34

(HNM) - Cùng với việc thúc đẩy những giải pháp nâng cao liên kết các hợp tác xã, doanh nghiệp với người nông dân, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các đơn vị đầu tư công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; đồng thời đa dạng hóa kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ).

Nhiều lợi ích cho các bên

Để người tiêu dùng có thể nhận biết các mặt hàng nông sản sạch, các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết đã đẩy mạnh việc dán tem ứng dụng QR code truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nhằm minh bạch thông tin sản phẩm trên thị trường.

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà cho biết: Hợp tác xã đã đầu tư quy trình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín trên diện tích 1,15ha và liên kết với các nhóm trồng rau trên địa bàn huyện; hiện tại, 100% sản phẩm được dán QR code. Từ việc xây dựng chuỗi liên kết với nông dân, hợp tác xã không chỉ ổn định nguồn cung (mỗi ngày đưa ra thị trường gần 1 tấn rau, củ, quả) mà còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Cũng về vấn đề này, theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy, hợp tác xã đã liên kết với các đơn vị trong và ngoài huyện tổ chức sản xuất lúa với quy mô gần 300ha. Bên cạnh đó hợp tác xã liên kết với Công ty TNHH Châu Anh (quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới đại lý lúa gạo ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…) trung bình mỗi vụ, tiêu thụ 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica.

Việc ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, hợp tác xã cũng như các đơn vị phân phối sản phẩm. Giám đốc tiêu thụ chuỗi nông sản thuộc Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam Phạm Quang Dũng nhận định, các hợp đồng liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp không chỉ bảo đảm được nguồn cung ổn định về số lượng mà còn yên tâm về chất lượng. Qua đó, doanh nghiệp tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng và mở rộng thị trường phân phối sản phẩm.

Đánh giá về chương trình liên kết chuỗi trong thời gian vừa qua, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí cho biết, việc ký kết hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã đã mang lại thu nhập cao cho các bên tham gia, gia tăng giá trị kinh tế từ 15-20%, góp phần nâng cao đời sống người dân; đồng thời tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận nông sản, thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với giá cả phù hợp.

Tăng cường giải pháp tiêu thụ sản phẩm

Thực tế cho thấy, việc liên kết chuỗi giá trị nông sản không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ ổn định sản phẩm trong mọi tình huống. Tuy nhiên, quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhỏ lẻ, phân tán; sản phẩm chưa đa dạng; hợp đồng liên kết còn bất cập, chưa có chế tài xử lý khi vi phạm hợp đồng liên kết...

Để thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho rằng, các hợp tác xã cần tuyên truyền nâng cao ý thức của các thành viên trong sản xuất an toàn, ghi chép nhật ký chăm sóc để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã trong liên kết, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, thời gian tới, Ứng Hòa sẽ chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với thế mạnh từng vùng gắn với nhãn hiệu sản phẩm như: “Gạo chất lượng Khu Cháy”, “Vịt Vân Đình”. Cùng với đó là tạo cơ chế hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng nhà sơ chế, chế biến sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu...

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ tại kênh phân phối hiện đại.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng 50 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, cùng với việc định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới, Hà Nội sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, kho tàng, nhà xưởng chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng phục vụ hệ thống phân phối của doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, thành phố sẽ hỗ trợ giống, vật tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng an toàn, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị hoạt động liên kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.